
Khi 21 tháng tuổi, trong quá trình tiếp tục phát triển, bé sẽ có những kỹ năng mới để thể hiện cho cha mẹ và người xung quanh.
Các cột mốc phát triển của trẻ 21 tháng tuổi
Dưới đây là một số cột mốc phát triển của trẻ 21 tháng tuổi mà con bạn có thể đạt được hoặc đang hướng tới:
Kỹ năng vận động: Hầu hết trẻ 21 tháng tuổi có thể chạy, ngồi xổm và ném bóng bằng tay thuận. Con cũng có thể bắt đầu thực hiện các hành động theo hướng dẫn gồm hai bước. Ví dụ: “Chất đầy các khối lego vào xe tải rồi đẩy xe đến chỗ mẹ nào!”.
Ngôn ngữ: Trẻ có thể biết khoảng 50 từ và có thể ghép hai từ để tạo thành một cụm từ.
Mọc răng: Răng hàm thứ hai ở phía dưới của trẻ có thể bắt đầu mọc trong giai đoạn này, gây cảm giác khó chịu. Thậm chí một số trẻ có thể mọc sớm hơn.
Đi vệ sinh: Một vài trẻ có dấu hiệu sẵn sàng tập đi vệ sinh. Việc cho con tập đi vệ sinh sớm hoàn toàn bình thường, nếu cha mẹ cảm thấy bé yêu đã sẵn sàng. Dù vậy, bạn vẫn cần lưu ý không tạo áp lực cho con trẻ khi “học lớp” đi vệ sinh!
Hành vi của trẻ 21 tháng tuổi
Khi trẻ lớn hơn, cha mẹ nên bỏ túi một số lời khuyên hữu ích về cách đối phó với hành vi tiềm ẩn của bé yêu.
Nổi giận: Mặc dù ngôn ngữ của trẻ đang phát triển vượt bậc, con vẫn chưa thể giao tiếp, thể hiện tất cả những gì chúng muốn nói. Điều này có thể dẫn đến những cơn giận dữ bùng phát.
Nhận diện chứng tự kỷ: Tại buổi khám sức khỏe dành cho trẻ 2 tuổi, bác sĩ nhi khoa có thể hỏi bạn một loạt câu hỏi về hành vi của con nhằm tìm kiếm dấu hiệu của tự kỷ. Nếu có bất kỳ lo lắng nào, bạn nên nói chuyện với bác sĩ ngay lập tức. Thực tế 18 tháng là độ tuổi sàng lọc tự kỷ, nhưng bác sĩ có thể giúp phát hiện sớm hơn tùy thuộc vào dấu hiệu.
Tìm kiếm sự chấp thuận: Chẳng bao lâu, con sẽ thể hiện rằng bé hoàn toàn có thể nhận thức được sự chấp thuận (hoặc không chấp thuận) của cha mẹ. Đây là bước khởi đầu quan trọng trong việc học các hành vi tích cực. Khi con cư xử tích cực, cha mẹ nên nói cho trẻ biết mình hài lòng như thế nào. Ngược lại, khi trẻ không cư xử tốt, hãy nói rằng bạn không thích điều đó.
Dinh dưỡng cho trẻ 21 tháng tuổi
Ăn uống là một phần quan trọng, nhưng cha mẹ không nên nghiêm trọng hóa vấn đề. Nói cách khác, đừng ép hoặc la mắng trẻ nếu không chịu ăn rau xanh. Lúc này, cha mẹ nên gợi ý cho trẻ các lựa chọn ăn uống lành mạnh và để con tự ăn những gì bé muốn. Một lời khen ngợi khi trẻ đưa ra lựa chọn tốt sẽ là động lực để con phát huy.
Trẻ cần ăn và uống khoảng bao nhiêu?
Trẻ từ 1 đến 2 tuổi nên ăn uống giống như cha mẹ: 3-4 bữa chính mỗi ngày, cộng thêm 2 bữa ăn phụ. Cha mẹ cần cung cấp đa dạng thực phẩm thuộc nhóm rau, trái cây, ngũ cốc, protein và sữa mỗi ngày.
Hầu hết trẻ 21 tháng tuổi nên uống sữa nguyên chất. Nếu ở mốc 1 tuổi, trẻ cần chất béo cho sự phát triển của não và vitamin D cho xương thì khi lên 2, bé nên chuyển sang sữa tách béo hoặc ít béo. Bác sĩ khuyên trẻ 1-3 tuổi cần hấp thụ 700 mg canxi mỗi ngày. Vì vậy, nếu không nhận được canxi từ bất kỳ nguồn nào khác, trẻ cần khoảng 3 ly sữa 230 ml mỗi ngày. Nếu trẻ hấp thụ các dạng canxi khác, bạn có thể giảm sữa cho phù hợp.
Nếu đang cai sữa cho trẻ 21 tháng tuổi, hãy nhớ thực hiện từ từ từng bước. Mẹ nên cắt giảm 1 lần bú mỗi ngày trong ít nhất 2-3 ngày trước khi cắt lần bú tiếp theo. Nếu bạn cắt sữa quá nhanh có thể gây tắc tia sữa cho mẹ và ảnh hưởng đến cảm xúc của trẻ. Vì vậy con cần nhiều cảm xúc âu yếm, trấn an trong thời gian này mẹ nhé!
Thực phẩm bổ dưỡng cho trẻ 21 tháng tuổi
Cha mẹ vẫn cần duy trì việc đa dạng thực phẩm trong mỗi bữa chính và bữa ăn nhẹ. Hầu hết trẻ mới biết đi nên ăn khoảng 3/4 đến 1 chén trái cây và rau; 1,5 chén ngũ cốc và 4 thìa canh protein mỗi ngày.
Làm gì khi con từ chối ăn?
Cha mẹ đừng quá lo lắng nếu con từ chối các loại thực phẩm bổ dưỡng và chỉ ăn vài miếng trong bữa cơm. Trẻ 21 tháng tuổi thường kén ăn. Thời điểm này, con không phát triển nhanh như năm đầu tiên và việc nói “không” với ăn uống là một phần trong việc thể hiện sự độc lập. Điều tốt nhất bạn có thể làm là tiếp tục cung cấp thực phẩm bổ dưỡng, cùng con lựa chọn và chuẩn bị thức ăn, giúp con hiểu và duy trì việc ăn uống lành mạnh.
Trẻ 21 tháng tuổi có nên uống vitamin không?
Nếu bạn lo lắng trẻ không nhận được đủ chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống, hãy hỏi bác sĩ nhi khoa về việc bổ sung vitamin. Một số trẻ em uống multi vitamin và/hoặc chất sắt bổ sung. Ngoài ra, có thể tham khảo thực phẩm bổ sung chất xơ để ngăn ngừa táo bón.
Giấc ngủ của trẻ 21 tháng tuổi
Trẻ ngủ không ngon giấc
Trẻ từng ngủ ngoan đột nhiên thức dậy nhiều hơn có thể do mọc răng, ốm, hoặc do đi chơi xa làm thay đổi lịch ngủ. Để con quay lại thói quen ngon giấc, bố mẹ cần tìm ra nguyên nhân và khắc phục. Giữ nguyên thói quen đi ngủ và đặt ra giới hạn thời gian cần lên giường để trẻ dễ chìm vào giấc ngủ hơn.
Trẻ có cảm xúc chống đối giờ ngủ
Trẻ thường phản đối giờ đi ngủ vì muốn làm nhiều hoạt động khác thú vị hơn. Tuy nhiên, sự thực là trẻ cần phải ngủ (và bố mẹ cũng cần thời gian nghỉ ngơi). Lúc này, cha mẹ cần xây dựng thói quen đi ngủ nhất quán: Bắt đầu vào cùng một thời điểm mỗi tối. Ngoài ra, hãy đảm bảo trẻ được vui chơi vận động nhiều trong ngày, tắt thiết bị điện tử và TV ít nhất 60 phút trước khi đi ngủ. Cha mẹ có thể giảm thời gian ngủ trưa để tránh trẻ thức khuya.
Trẻ trèo ra khỏi cũi
Lần đầu tiên chứng kiến con trèo ra khỏi cũi có thể khiến cha mẹ ngạc nhiên. Một số phụ huynh ngăn việc này ngay từ lần đầu để trẻ không bao giờ tái phạm, trong khi một số khác lại không thể. Thực tế, nguy cơ trẻ bị thương khi trèo ra khỏi cũi cao hơn nhiều so với việc ngã lăn từ giường thấp. Vì thế, đã tới lúc cha mẹ chuyển cũi thành giường trẻ em hoặc giường lớn có lan can. Thậm chí, một số cha mẹ trải luôn nệm xuống sàn để tránh nguy cơ con ngã đau.
Gợi ý hoạt động dành cho trẻ 21 tháng tuổi
Trò chơi trở nên thú vị hơn khi sở thích cá nhân của trẻ bắt đầu bộc lộ qua việc lựa chọn đồ chơi và hoạt động giải trí. Trong giờ chơi hoặc ăn uống, cha mẹ nên cẩn thận quan sát vì trẻ có thể nhét các vật nhỏ - như nho khô hoặc hạt - vào mũi, tai… Dưới đây là một số hoạt động, trò chơi và đồ chơi thú vị dành cho trẻ 21 tháng tuổi:
- Làm nhà bằng bìa các-tông: Sử dụng một hộp các tông lớn, cắt và tạo hình cánh cửa, bạn có ngay một ngôi nhà đơn giản và tiết kiệm. Hãy cùng con trang trí ngôi nhà bằng màu vẽ, sticker…
- Ghép hình: Đây là độ tuổi tuyệt vời để trải nghiệm trò chơi ghép nối, chẳng hạn phân loại hình dạng và chinh phục các bộ ghép hình đơn giản.
- Đặt tên cho đồ vật: Khi đi dạo cùng trẻ, cha mẹ có thể yêu cầu con tìm/đặt tên đồ vật nhìn thấy. Bạn cũng có thể thực hiện thử thách này với các bộ phận cơ thể.
Lời khuyên cho cha mẹ
- Khuyến khích trẻ tự mặc quần áo: Ở giai đoạn này, trẻ đã có thể tự cởi đồ. Chẳng bao lâu, trẻ sẽ biết tự mặc áo, quần và đi giày.
- Cho trẻ tham gia lớp học bơi nhí: Các chuyên gia thường không khuyến khích trẻ dưới 4 tuổi học bơi vì chưa đủ sức mạnh cơ bắp. Nhưng hiện nay, một số chuyên gia gợi ý các khóa học bơi không chính thức để trẻ cảm thấy dạn nước hơn, đặc biệt dạy trẻ về những nguy hiểm khi chơi đùa với nước.
>> Đọc thêm: Nên cho con học bơi từ mấy tuổi?
- Không ép trẻ chia sẻ đồ chơi nếu con chưa sẵn sàng. Song, cha mẹ cần khen ngợi khi bé chủ động chia sẻ.
- Em bé của bạn có thường xuyên muốn trèo ra khỏi cũi? Nếu có, đây là lúc chuyển sang giường trẻ em. Bạn nên triển khai việc này sớm để tránh con bị ngã, chấn thương.
- Tạo nhiều cơ hội cho trẻ vui chơi vận động: Dành thời gian để trẻ vận động thể chất và giải phóng năng lượng. Trẻ mới biết đi nên được vui chơi tự do ít nhất 1 giờ/ngày. Điều này cũng sẽ giúp con ngủ ngon hơn vào giấc đêm.
- Nếu trẻ nhút nhát, cha mẹ đừng ép trẻ vào những tình huống khiến con không thoải mái, chẳng hạn ép chào hỏi hay ôm người khác khi trẻ không muốn.
Mỗi ngày trôi qua đều là một cuộc phiêu lưu mới của bạn và con. Mỗi trẻ phát triển theo tốc độ riêng mình, nhưng nếu lo lắng khi bé yêu không đạt các cột mốc phát triển ở giai đoạn 21 tháng tuổi, cha mẹ nên liên hệ với bác sĩ nhi khoa.
Bình luận