
Bên cạnh tính cách nghịch ngợm mà đôi khi khiến bạn đau cả đầu, cơ thể và bộ não của trẻ 25 tháng tuổi sẽ tăng trưởng và phát triển theo nhiều cách khác nhau. Em bé của bạn giờ đây thích thú với các trò chơi tưởng tượng đơn giản, có khả năng ghi nhớ các phần của cuốn sách, vần điệu hoặc những bài hát quen thuộc. Bạn cũng sẽ nhận ra con đạt được các cột mốc mới 25 tháng tuổi về ngôn ngữ, vận động và tương tác xã hội.
Các cột mốc quan trọng
Cho dù bé đang phát triển ngôn ngữ, chơi cùng người khác hay thích ngọ nguậy lắc lư, bé của bạn đang làm được rất nhiều điều. Một số cột mốc ở tháng tuổi thứ 25 mà cả con và bố mẹ đều vô cùng mong đợi như:
• Phát triển ngôn ngữ. Bé 25 tháng tuổi có thể sử dụng những cụm từ đơn giản và nói được những câu gồm 2-3 từ. Hầu hết trẻ ở tuổi ày có thể nói được 50 - 100 từ khác nhau. Một số em bé sẽ cần thêm một chút thời gian để phát triển ngôn ngữ, song nếu 26 tháng tuổi vẫn chưa biết nói, đó có thể là dấu hiệu đáng quan tâm bởi các vấn đề về thính giác có thể gây ra tình trạng chậm nói. Phụ huynh có thể trò chuyện cùng con nhiều hơn hoặc đọc sách truyện cho bé để khuyến khích bé phát triển tư duy ngôn ngữ.
• Đi vệ sinh đúng chỗ. Nếu con bạn đã biết dùng bô, chúc mừng bố mẹ và bé đã đạt được một trong những cột mốc thú vị nhất khi trẻ 25 tháng tuổi. Nếu con gặp nhiều khó khăn trong việc ngồi bô, có lẽ phụ huynh cần quan tâm và rèn luyện cho bé nhiều hơn. Việc tập ngồi bô cho trẻ 25 tháng tuổi không phải chuyện một sớm một chiều, song bố mẹ cũng không cần quá sốt sắng mà hãy để cho bé trải nghiệm và học hỏi từ những lần thất bại. Mẹ hãy cổ vũ con bằng những lời khen tích cực nếu con thành công nhé.
• Mọc răng. Con bạn có thể bắt đầu mọc những chiếc răng hàm trong khoảng thời gian từ 23 đến 33 tháng. Quá trình này có thể gây ngứa, khó chịu cho trẻ. Nếu trẻ bị đau, bạn có thể cho bé ngậm vòng mọc răng hoặc nhai khăn lau ẩm đã tiệt trùng để giảm cảm giác khó chịu. Tình trạng mọc răng này sẽ sớm kết thúc và không tái diễn cho đến khoảng 6 tuổi - lúc bé thay lớp răng sữa bằng răng trưởng thành.
Trẻ 25 tháng tuổi thường làm gì?
Khi hơn 2 tuổi, bé đã có thể tự chơi những khối gỗ, biết cách sắp xếp các hình dạng và màu sắc cũng như tìm ra đồ vật trong trò chơi trốn tìm. Con bạn cũng bắt đầu bắt chước người lớn và lặp lại những từ mà chúng nghe được. Do đó, bố mẹ cần cẩn thận và chú ý kỹ đến những gì bạn nói và làm trước mặt trẻ.
• Sự độc lập. Bé trở nên độc lập hơn khi đến độ tuổi này. Hãy để trẻ đưa ra những quyết định nhỏ, chẳng hạn như hôm nay mặc áo sơ mi nào, hôm nay nghe sách truyện gì. Tuy nhiên, mẹ đừng ngại nói không với những việc lớn, chẳng hạn như để trẻ leo lên cầu trượt trong công viên. Trẻ cần có những giới hạn để đảm bảo an toàn.
• Nóng nảy. Khi kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ của bé tiếp tục phát triển, bé cũng học được các biểu thị sự giận dữ để bày tỏ thái độ của mình. Bố mẹ hãy kiên nhẫn với những cơn nóng giận của con, dần dà con sẽ hiểu rằng phản ứng thái quá không phải cách giải quyết và cần phải truyền đạt rõ ràng điều con muốn.
• Không nghe lời. Ở độ tuổi này, trẻ có nhiều hành vi “thách thức” phụ huynh. Ví dụ, một số trẻ không muốn ngồi vào ghế ôtô, một số khác thích vẽ lên tường trong khi bố mẹ không để ý. Đây là lúc bố mẹ cần nghiêm khắc và cho bé hiểu hậu quả của những hành vi không tốt. Hãy dành cho con bạn sự quan tâm tích cực khi chúng ngoan và răn đe đủ cứng rắng với những hành vi xấu.
Dinh dưỡng cho trẻ 25 tháng tuổi?
Khi con bước qua tháng tuổi 25, phụ huynh nên hãy tập trung vào việc hình thành thói quen ăn uống tốt cho trẻ. Các bác sĩ nhi khoa khuyên khích bố mẹ cho con dùng bữa cùng nhau, lựa chọn thực phẩm lành mạnh và không nên lo lắng quá nhiều về lượng thức ăn mà con bạn ăn. Nói cách khác, bố mẹ không cần ép bé phải ăn sạch đĩa.
Trẻ hai tuổi nên tiếp tục ăn ba bữa chính, cộng thêm hai bữa phụ mỗi ngày. Bé cần được bổ sung dinh dưỡng từ đủ các nhóm thực phẩm như rau, trái cây, ngũ cốc, chất đạm và sữa. Khẩu phần ăn của bé cũng không lớn ở độ tuổi này, thường chỉ từ ¼ đến ½ lượng như người lớn.
Khi con qua 2 tuổi, bố mẹ có thể cung cấp thêm dinh dưỡng qua các sản phẩm từ sữa như sữa chua và phô mai. Các bác sĩ khuyên trẻ từ 1 đến 3 tuổi nên bổ sung 700 mg canxi mỗi ngày và 600 IU vitamin D để giúp hấp thu canxi. Do đó, trẻ 25 tháng tuổi có thể uống tối đa 16 đến 24 oz sữa mỗi ngày.
Nếu trẻ không thể uống sữa bò vì bị bất dung nạp lactose, hãy bổ sung các nguồn canxi khác cho con như sữa đậu; các loại rau lá xanh đậm như bông cải xanh, cải chíp hoặc cải xoăn; đậu khô nấu chín và bánh mì hoặc ngũ cốc.
Kén ăn cũng là hiện tượng phổ biến ở trẻ 25 tháng. Nhiều nghiên cứu cũng khuyến nghị phụ huynh bổ sung sắt vì trẻ nhỏ có xu hướng không nhận đủ chất dinh dưỡng nếu kén ăn. Thiếu chất xơ gây táo bón cũng là vấn đề đáng lo ngại. Nếu muốn cho con bổ sung thêm vitamin, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi đưa các loại thực phẩm chức năng, vitamin vào khẩu phần cho con. Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, bạn chỉ cần cho con uống đủ nước và ăn đủ trái cây, rau xanh đã có thể giúp hệ tiêu hóa của bé hoạt động bình thường.
Giấc ngủ ở trẻ 25 tháng tuổi
Như mọi lứa tuổi, thói quen ngủ rất quan trọng đối với trẻ 25 tháng tuổi. Hầu hết trẻ hơn 2 tuổi cần ngủ khoảng 11 đến 12 giờ vào ban đêm, cộng thêm một giấc ngủ ngắn khoảng 1,5 đến 3 giờ, tổng cộng khoảng 13 đến 14 giờ ngủ mỗi ngày. Để con không thức giấc ban đêm và ảnh hưởng đến giấc ngủ của gia đình, bạn cần rèn luyện cho con thói quen tự ngủ lại và giữ vững lập trường ngay cả khi con mè nheo, trừ những lúc ngoại lệ như khi con bị ốm, gặp ác mộng hoặc đang mọc răng.
Hãy tuân thủ các quy tắc mỗi đêm để bé rèn giấc ngủ theo quy củ: Một hoặc hai cuốn sách mỗi đêm, sau đó phải ngoan ngoãn đi ngủ. Trẻ sẽ có xu hướng muốn được nghe thêm truyện, nhưng bố mẹ hãy cố gắng giữ mọi thứ nhất quán để bé không mè nheo nữa.
Gợi ý hoạt động cho trẻ 25 tháng tuổi
Trẻ 25 tháng tuổi thích khám phá thế giới thông qua các giác quan. Bố mẹ có thể tham khảo một số hoạt động, trò chơi và đồ chơi vui nhộn dành cho trẻ như:
• Các món đồ chơi gây bất ngờ như hộp jack-in-the-box hoặc hộp đập chuột chũi. Những trò chơi này có thể dạy trẻ quy luật trước sau và liên hệ nguyên nhân – kết quả.
• Những đồ chơi đơn giản như thùng cảm ứng hoặc Play-Doh giúp con rèn luyện cầm nắm đồ vật bằng tay. Trẻ cũng được tìm hiểu về kích thước và số lượng thông qua việc đổ đầy các thùng chứa có kích thước khác nhau.
• Nhạc cụ. Một cây đàn piano, trống hoặc xylophone đồ chơi sẽ cho phép con bạn vui đùa với âm thanh.
• Đưa con bạn đến công viên, cửa hàng thú cưng, thủy cung hoặc ga xe lửa để trải nghiệm những địa điểm và thắng cảnh mới.
• Đồ chơi đẩy và cưỡi ngựa. Đồ chơi máy cắt cỏ, xe đẩy búp bê, xe ba bánh hoặc xe kéo cũng là những đồ chơi thú vị dành cho trẻ 25 tháng tuổi.