
Bạn có thể cải thiện cơ hội mang thai và có một thai kỳ khỏe mạnh bằng cách làm theo các bước được tư vấn bởi NHS - National Health Service - Dịch vụ Y tế Quốc gia Chính phủ Anh.
Ánh Ngọc
Uống bổ sung axit folic
NHS khuyên các chị em nên bổ sung 400 microgam axit folic mỗi ngày trước khi mang thai và mỗi ngày sau đó cho đến khi mang thai được 12 tuần.
Axit folic làm giảm nguy cơ em bé bị dị tật ống thần kinh, chẳng hạn như tật nứt đốt sống. Khiếm khuyết ống thần kinh là khi tủy sống của thai nhi (một phần hệ thần kinh của cơ thể) không hình thành bình thường.

Mẹ bầu có thể được khuyên nên bổ sung liều cao hơn 5 miligam (5 mg) mỗi ngày nếu thuộc một trong những trường hợp dưới đây:
- Mẹ bầu hoặc bố em bé bị khuyết tật ống thần kinh
- Trước đây bạn đã có thai gặp khuyết tật ống thần kinh
- Mẹ bầu hoặc bố em bé có tiền sử gia đình bị dị tật ống thần kinh
- Mẹ bầu bị tiểu đường
Bác sĩ cũng có thể đề nghị bổ sung 5 mg nếu bạn dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chống động kinh hoặc thuốc kháng virus điều trị HIV. Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn nghĩ rằng bạn cần một liều axit folic 5 mg.
Đừng lo lắng nếu bạn có thai ngoài ý muốn và không bổ sung axit folic vào thời điểm đó. Bắt đầu dùng chúng ngay khi bạn phát hiện ra, cho đến khi bạn vượt qua 12 tuần đầu tiên của thai kỳ.
Bỏ thuốc lá
Hút thuốc khi mang thai có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm:
- Sinh non
- Cân nặng khi sinh thấp
- Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS)
- Sẩy thai
Khói từ thuốc lá của người khác có thể gây hại cho em bé của bạn. Vì vậy, hãy yêu cầu chồng, bạn bè và gia đình không hút thuốc gần bạn.
Cắt bỏ rượu
Không uống rượu nếu bạn đang mang thai hoặc đang cố gắng mang thai. Rượu có thể được truyền sang thai nhi.
Uống rượu khi mang thai có thể gây hại lâu dài cho em bé và bạn càng uống nhiều, thì nguy cơ càng lớn.

Giữ cân nặng khỏe mạnh
Nếu bạn thừa cân, bạn có thể gặp vấn đề khi mang thai. Thừa cân (có chỉ số BMI trên 25) hoặc béo phì (có chỉ số BMI trên 30) cũng làm tăng nguy cơ mắc một số vấn đề khi mang thai, chẳng hạn như huyết áp cao, huyết khối tĩnh mạch sâu, sẩy thai và tiểu đường thai kỳ.
Trước khi mang thai, bạn có thể tính chỉ số BMI của mình, nhưng điều này có thể không chính xác khi bạn đang mang thai. Vì vậy, hãy tham khảo ý kiến của nữ hộ sinh hoặc bác sĩ.
Bạn nên có một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục vừa phải khi mang thai, điều quan trọng là không tăng cân quá nhiều.
Biết những loại thuốc bạn có thể dùng
Không phải tất cả loại thuốc đều an toàn khi bạn đang mang thai hoặc dự định có thai, cho dù đó là thuốc kê đơn hay thuốc bạn có thể mua ở hiệu thuốc hoặc cửa hàng.
Nếu bạn dùng thuốc theo toa và dự định có thai, hãy nói chuyện với bác sĩ. Đừng tự ý ngừng dùng thuốc mà không nói chuyện với bác sĩ.
Tiêm chủng
Một số bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như rubella (sởi Đức), có thể gây hại cho em bé nếu bạn mắc phải khi mang thai.
Nếu bạn chưa tiêm 2 liều vaccine vắc xin sởi, quai bị và rubella (MMR), bạn có thể tiêm chủng tại các trung tâm tiêm chủng, bệnh viện… Bạn nên tránh mang thai trong vòng 1 tháng sau khi tiêm vaccine MMR để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn mắc bệnh mạn tính
Nếu bạn mắc một bệnh lý mạn tính, chẳng hạn như động kinh hoặc tiểu đường, nó có thể ảnh hưởng đến quyết định của bạn về việc mang thai - ví dụ như nơi bạn muốn sinh con.
Trước khi mang thai, hãy thảo luận với bác sĩ chuyên khoa hoặc bác sĩ đa khoa về việc mang thai.
Bạn cũng nên nói chuyện với bác sĩ nếu bạn có vấn đề về sức khỏe tinh thần và đang muốn mang thai. Bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một nhóm chuyên gia về sức khỏe tinh thần để hỗ trợ bạn trước, trong và sau khi mang thai.
Nếu đang dùng thuốc để điều trị một căn bệnh, mẹ bầu không nên tự ý ngừng dùng thuốc mà không nói chuyện với bác sĩ.
Theo NHS.uk