

Nếu trẻ đang bị nghẹt mũi, điều cha mẹ thực sự cần làm là bình tĩnh, tránh lo lắng thái quá và vội vã dùng thuốc cho con hoặc áp dụng các cách trị nghẹt mũi thô bạo gây tổn thương niêm mạc mũi còn non nớt của trẻ.
Trước hết, hiện nay trên thị trường có nhiều loại sản phẩm, dung dịch dạng xịt cho trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ không nên dùng để xịt cho trẻ dưới 2-4 tuổi. Nguyên nhân là lực của các sản phẩm dạng xịt thường rất mạnh, ta không biết được áp lực của dung dịch dạng xịt này. Lạm dụng sẽ làm trầy niêm mạc mũi.
Cha mẹ chỉ nên nhỏ mũi cho trẻ. Chỉ có người lớn và trẻ lớn mới nên dùng những loại dung dịch dạng xịt nhưng cũng không nên lạm dụng. Có những trẻ khô mũi, sau đó trầy xước, chảy máu cam rồi bị nhiễm trùng do cách xử lý sai của cha mẹ.

Bên cạnh đó, 2 biện pháp để xử lý khi con bị sổ mũi, nghẹt mũi rất phổ biến mà nhiều cha mẹ thường làm sai là dùng xi lanh để rửa hút mũi và hút mũi.
Khi dùng xi lanh để hút rửa mũi, xịt nhanh, tốc độ mạnh chắc chắn sẽ khiến trẻ sặc, đồng thời gây trầy xước niêm mạc. Đặc biệt, xi lanh dùng đi dùng lại không còn sạch.
Việc hút mũi cũng tương tự. Chúng ta biết lỗ mũi của trẻ rất nhỏ. Ống hút phải vừa đủ lỗ mũi thì mới có thể hút được dịch bên trong. Trong bệnh viện, muốn hút thì dụng cụ đó phải hoàn toàn vô trùng. Nếu cha mẹ tự dùng dụng cụ hút tùy ý sẽ dễ gây trầy xước, chảy máu mũi, thậm chí gây nhiễm trùng thêm cho trẻ.
Thường khi trẻ quá nghẹt mũi thì cha mẹ mới nên hút. Nếu trẻ chỉ bị mức độ thông thường thì không nên hút, chỉ cần nhỏ nước muối sinh lý. Cha mẹ nhỏ vào từng bên lỗ mũi của bé. Nước muối giúp làm loãng dịch mũi và có tính kháng khuẩn rất tốt nên có thể cải thiện tình trạng trẻ bị nghẹt mũi.
Cha mẹ chỉ nhỏ từ 1-2 giọt/lần cho trẻ. Sau đó, làm bấc sâu kèn bằng cách dùng một miếng giấy ăn sạch, có thể thấm được nước, quấn thành một đầu nhỏ, một đầu lớn, đưa đầu nhỏ vào mũi trẻ để một lúc, dung dịch mũi sẽ ngấm vào chiếc bấc đó, cha mẹ rút bấc ra sẽ kéo theo dịch mũi. Làm cách này hiệu quả tương tự hút mũi.

Cha mẹ cũng có thể xoa cánh mũi cho trẻ bằng cách nhỏ nước muối sinh lý, sau đó dùng ngón tay trỏ day nhẹ 2 bên cánh mũi con nhẹ nhàng để chất nhầy dễ dàng tan ra, giúp bé thở dễ thở hơn. Hoặc có thể thoa một ít tinh dầu lên ngực và lưng của bé để giúp khí huyết lưu thông tốt hơn và cải thiện tình trạng ngạt mũi.
Trong trường hợp trẻ quá khó chịu và phải hút mũi thì nên đến bệnh viện để hút vì nơi này có dụng cụ vô trùng. Trường hợp gấp quá, cách tốt nhất là cha mẹ tự hút cho con bằng miệng. Đây thực chất là cách an toàn nhất. Bởi cha mẹ sẽ biết được áp lực nặng nhẹ mà điều chỉnh. Khi cha mẹ tự hút sẽ an toàn hơn nhiều so với các loại dụng cụ hút mũi hiện nay trên thị trường. Cha mẹ chỉ cần súc miệng sạch bằng nước muối sau đó hút mũi cho con. Lưu ý, nếu trẻ bị nghẹt mũi lâu dài thì cha mẹ cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Nếu bạn đang công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và có câu chuyện muốn chia sẻ với Đi Cùng Con, xin vui lòng gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn sẽ giúp ích cho rất nhiều cha mẹ trên hành trình nuôi dạy con. |