
Mang thai có thể ảnh hưởng đến làn da, khiến mẹ bầu dễ nổi mụn hơn. Để hạn chế tình trạng này, mẹ bầu cần quan tâm hơn đến làn da của mình.
Giang Tú
Nhiều mẹ bầu bị mụn trứng cá khi mang thai. Đây là tình trạng phổ biến trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai.
Theo đó, sự gia tăng hormone mang tên androgen có thể khiến các tuyến bã nhờn trên da mẹ bầu phát triển và sản xuất nhiều bã nhờn hơn. Bã nhờn nhiều có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông và tích tụ vi khuẩn, gây viêm và nổi mụn.
Theo March of Dimes, những phụ nữ dễ nổi mụn trong thời kỳ kinh nguyệt có nguy cơ bị mụn trứng cá khi mang thai cao hơn. Tuy nhiên, tình trạng mụn trứng cá khi mang thai và sau sinh thường chỉ là tạm thời. Nó có thể sẽ hết khi hormone của mẹ bầu trở lại bình thường.

Để làn da luôn đẹp, sáng và không có mụn trong suốt thai kỳ, mẹ bầu cần lưu ý một số điều dưới đây.
- Không gãi hoặc nặn mụn vì hành động này có thể làm tăng kích ứng và gây sẹo.
- Cung cấp đủ nước cho da bằng cách uống nước tinh khiết. Tránh đồ uống có ga và quá nhiều caffeine.
- Áp dụng chế độ ăn uống bổ dưỡng với trái cây và rau quả tươi, nguồn protein nạc, chất béo lành mạnh như bơ và các loại hạt. Tránh đường tinh chế và thực phẩm chế biến sẵn.
- Cho bản thân thời gian nghỉ ngơi và thư giãn, căng thẳng và mệt mỏi có thể gây ra mụn trứng cá.
- Thay vỏ gối và khăn tắm thường xuyên.
- Tránh chạm tay vào mặt vì có thể đưa vi khuẩn từ tay lên da.
- Gội đầu thường xuyên nếu mẹ có tóc dầu và cố gắng không để tóc dính vào mặt.
- Nếu mẹ bầu có trang điểm, hãy sử dụng các sản phẩm không chứa dầu có nhãn “không gây mụn”. Mẹ cần rửa sạch lớp trang điểm trước khi đi ngủ.
- Ngoài ra, mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các phương pháp điều trị không kê đơn. Một số thành phần trong các sản phẩm chăm sóc da thông thường như axit salicylic và vitamin A có thể không an toàn cho phụ nữ mang thai.
Theo Healthline