

Liên quan đến các phương pháp vệ sinh mũi cho con, tôi nhận thấy có khá nhiều phương pháp cũng như khá nhiều quan điểm trái chiều ngay cả trong giới bác sĩ với nhau. Bên nào cũng có lý lẽ riêng.
Tôi thấy rằng nhiều mẹ Việt nói chung thường hay quyết định theo xu hướng, tả thì tả quá mà hữu thì hữu quá theo lối máy móc. Giống như các phương pháp ăn dặm vậy. Phương pháp nào cũng có ưu - nhược điểm riêng và cần phù hợp với nhận thức, quan điểm cũng như môi trường sống từng gia đình. Chứ không phải cứ nuôi kiểu Tây là văn minh vì văn hóa Việt khác Tây, mối quan hệ trong gia đình Việt khác trong gia đình Tây.
Quay trở lại vấn đề rửa mũi nên hay không. Trước tiên cần hiểu rằng đường thở tự nhiên của con người bắt đầu từ mũi rồi vào đến họng và thanh quản, sau đó xuống khí quản - các phế quản lớn nhỏ và tận cùng là các phế nang. Đường thở của trẻ em nhỏ và hẹp hơn của người lớn rất nhiều nên chỉ cần bị bít tắc chút là sẽ dễ bị khó thở hơn người lớn.
Khi đường thở bị viêm (có thể do nhiễm khuẩn hoặc không) sẽ xuất tiết ra dịch nhầy gọi là đờm. Ở vùng mũi họng có các xoang và V.A nên chảy mũi rất hay gặp và rất lai rai.

Nếu nước mũi của em bé ít, không ảnh hưởng đến việc thở (bé không phải há miệng để thở, không cáu khi bú vì tắc mũi không thở được, hoặc đêm không thức dậy vì ho do chảy mũi sau...) thì cha mẹ không cần hút, cứ để tự nhiên sẽ khỏi. Có thể tự làm bấc sâu kèn: Lấy miếng giấy ăn vuông, mềm, dai, cuốn đầu to đầu nhỏ như cái kèn thổi rồi đưa vào mũi bé lôi theo đờm ra, ngày có thể làm nhiều lần. Phương pháp này hiệu quả với loại mũi trong, chảy dễ ra ngoài và bé dễ hợp tác hơn.
Nếu mũi em bé đặc, bé không thở được bằng mũi mà thường xuyên há miệng để thở, ăn bú khó khăn... thì việc loại bỏ nhầy mũi (rửa hoặc hút mũi) là cần thiết để làm bé dễ chịu hơn chứ không phải để khỏi bệnh nhé!
Nên nhớ rằng hút hay rửa mũi sẽ làm mũi bé thoáng và dễ chịu hơn lúc đó nhưng chỉ sau vài tiếng là mũi lại nhiều trở lại vì đang bị viêm mà. Nên chuyện hút hay rửa mũi 1 lần ở phòng khám không giúp ích nhiều. Tốt nhất cha mẹ nên nhờ bác sĩ hướng dẫn thực hành trực tiếp để sau tự rửa cho con ở nhà.

Vậy có nên rửa mũi thường quy, nghĩa là cứ có mũi là rửa hoặc không có mũi nhưng ngày nào cũng rửa hoặc nhỏ mũi cho sạch?
Câu trả lời là không nên. Điều này không giúp ngăn bệnh nặng hơn mà chỉ giúp trẻ dễ chịu hơn. Chỉ nên rửa khi mũi nhiều làm bé khó chịu như đã nói ở trên. Cụ thể:
- Với trẻ sơ sinh và trẻ bú mẹ (nhỏ hơn 1 tuổi): Rửa mũi ở tư thế nằm nghiêng và dùng lọ nước muối sinh lý (loại 10 ml, đầu tù thân dài mềm) là thích hợp hơn.
- Với trẻ lớn hơn, có thể dùng bình rửa mũi chuyên dụng sẽ thích hợp hơn.
- Trẻ lớn 2-3 tuổi trở lên có thể hướng dẫn tự xì mũi là được.
Tóm lại:
- Rửa mũi là cần thiết trong một số ít trường hợp để giúp trẻ dễ chịu hơn. Chỉ rửa khi đờm mũi làm ảnh hưởng đến thở và ăn của bé. Giảm dần số lần rửa và dừng khi các triệu chứng cải thiện hơn.
- Không rửa mũi thường quy cho các trường hợp chảy mũi.
- Lựa chọn phương pháp rửa mũi phù hợp với từng lứa tuổi. Nên được nhân viên y tế hướng dẫn trực tiếp trước khi tự thực hành ở nhà.
Chúc các bé khỏe mạnh, bố mẹ vui!
Nội dung được tư vấn bởi BSCKI Nguyễn Hữu Thảo Trưởng khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc - Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc Phòng khám: - Cơ sở 1: Thị Trấn Lập Trạch, huyện Lập Trạch, Vĩnh Phúc (hotline: 0989555035). - Cơ sở 2: 51B Phùng Quang Phong, phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên (hotline: 0983666520). - Cơ sở 3: Phố Me, thị Trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc (hotline: 0342434013). |
>> Xem thêm: Hút mũi cho con mà làm cách này thì 'toang'