
Cha mẹ nào cũng muốn dành những thứ tốt nhất cho con. Tuy nhiên, việc mua sắm quá đà sẽ dẫn đến lãng phí, đôi khi là xích mích giữa các thành viên trong gia đình.
Giang Tú
Tôi 27 tuổi, hiện đang làm mẹ toàn thời gian kiêm freelancer tại nhà. Vì 2 vợ chồng ở xa bố mẹ, con lại chưa đến 1 tuổi nên vợ chồng tôi thống nhất tôi sẽ ở nhà chăm con và làm thêm các công việc freelance, còn chồng sẽ là trụ cột tài chính cho cả gia đình. Sau khi con 2 tuổi và đi nhà trẻ, tôi sẽ quay lại công việc văn phòng.
Chồng tôi hiện là nhân viên kinh doanh, lương ở mức khá. Mức lương của chồng đủ sức nuôi 2 mẹ con nên tôi chi tiêu khá thoáng, đặc biệt trong việc sắm sửa, chăm sóc con gái. Giữ quan niệm “mua cho con thì không tiếc”, và “con đẹp thì bố mẹ vui” nên tôi thường xuyên mua sắm đồ chơi mới, quần áo, nơ mũ cho con để mặc trong các dịp đi chơi, hay đôi khi chỉ để chụp ảnh đăng lên mạng xã hội.
Sự đa dạng của các sàn TMĐT cùng vô vàn ưu đãi, khuyến mại hấp dẫn cũng là lý do khiến tôi “ngụp lặn” hàng ngày trong các nhóm mua bán, săn sale đồ cho bé. Những đồ con đã mặc và chụp ảnh đăng lên mạng xã hội, tôi thường không cho con mặc lại trong những dịp đi chơi, đi tiệc nữa. Con lớn nhanh khiến nhiều đồ chưa kịp mặc đã chật, tôi đành cất gọn để mua đồ mới.

Chồng tôi đi làm cả ngày nên không biết thực tế mua sắm của tôi, cho đến ngày anh mở tủ tìm đồ cho con và “lạc” trong từng chồng quần áo xếp chật kín. Hai vợ chồng đã nổ ra một cuộc tranh luận về việc chi tiêu và mua sắm. Theo ý kiến của chồng tôi, anh không phản đối việc mua cho con các đồ tốt, nhưng nên ở mức vừa phải vì trẻ em lớn nhanh, mua quá nhiều con không mặc hết đã chật thì rất phí.
Anh phân tích tình hình kinh tế của gia đình, những chi phí cần trả góp để mua nhà, số tiền tiết kiệm từ việc mua sắm có thể để dành thành một khoản đi du lịch, cho con học tập sau này…
Sau nhiều thảo luận với chồng, tôi nhận ra mình mắc chứng “nghiện mua sắm”, đôi khi mua theo sở thích chứ không thật sự cần thiết. Tôi quyết định tiết chế thói quen này bằng một số biện pháp:
- Chỉ mua đồ đúng mùa chứ không ham rẻ mua đồ trái mùa vì có thể đến lúc đó, con sẽ không mặc vừa.
- Trước khi mua, tôi sẽ cân nhắc kỹ việc món đồ đó có dễ mặc trong nhiều dịp hay không, có dễ phối hợp cùng nhiều trang phục khác hay không. Tôi tập thói quen loại trừ các loại váy vóc quá cầu kỳ, không tiện lợi và thực dụng ra khỏi giỏ hàng.
- Khi online, tôi hạn chế truy cập các quảng cáo ghi “Thanh lý”, “Sale off”… Mặc dù mua hàng thanh lý là cách tuyệt vời để tiết kiệm tiền, nhưng phải thừa nhận là trước khi thấy các quảng cáo này, tôi chưa hề có nhu cầu mua chúng. Nhiều món tôi mua trong các đợt giảm giá không phải đồ thiết yếu, khiến tôi tiêu vào số tiền không hề dự định tiêu.