
Dù chúng ta yêu con đến đâu, việc làm cha mẹ không phải lúc nào cũng vui vẻ, thậm chí có thể khiến ta kiệt sức hoàn toàn. Nếu cảm thấy tinh thần cạn kiệt thường xuyên, rất có thể bạn đang trải qua tình trạng kiệt sức khi làm cha mẹ.
Ngân An
Nguyên nhân của tình trạng này khá phức tạp, nhưng cũng rất rõ ràng. Tin tốt là bạn có thể làm gì đó để nạp lại năng lượng cho cơ thể và tâm trí. Dưới đây là những điều bạn cần biết cùng một số mẹo giúp bạn vượt qua giai đoạn này.
Dấu hiệu và triệu chứng
Để xác định liệu bạn có đang kiệt sức khi làm cha mẹ hay không, hãy dành chút thời gian nhìn lại cách mình phản ứng với con có đang thái quá không. Chẳng hạn, thay vì thấy khó chịu khi con làm vương vãi đồ ăn trong bếp, bạn lại quát mắng con. Hoặc thay vì hít thở sâu khi con ngúng nguẩy không mang giày, bạn lại bật khóc.
Tất nhiên, ai làm cha mẹ cũng có lúc mất bình tĩnh với con. Ví dụ, việc bạn cáu giận khi đã quá mệt mà con vẫn không chịu đi ngủ không có nghĩa là bạn đang kiệt sức. Sự kéo dài của tình trạng kiệt sức mới là điều khiến nó khác với những giai đoạn mệt mỏi thông thường khi nuôi dạy con. Nếu bạn liên tục chỉ mong đến cuối ngày để được nghỉ ngơi, có thể đã đến lúc bạn cần tìm giải pháp.
Sự kiệt sức ở cha mẹ có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau. Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, một số triệu chứng phổ biến của tình trạng này bao gồm:
- Dễ cáu gắt thường xuyên
- Kiệt sức hoàn toàn
- Thiếu ngủ
- Thói quen ngủ thay đổi
- Cảm giác tách biệt, thiếu gắn kết
- Cảm thấy đau khổ, xấu hổ và tự trách
- Cảm giác bế tắc
Điều quan trọng cần nhớ là các dấu hiệu sự kiệt sức ở cha mẹ không xuất hiện đột ngột mà dần dần tích tụ theo thời gian. Hãy nhận diện các giai đoạn kiệt sức của chính mình. Nếu bạn bắt đầu cảm thấy bực bội một cách rõ ràng hoặc nhận thấy mình quát mắng con thường xuyên hơn, có lẽ đã đến lúc bạn cần quan tâm đến sức khỏe tinh thần của mình trước khi tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn.
Cách cải thiện
Việc cải thiện tình trạng kiệt sức ở cha mẹ không chỉ là dành thời gian thư giãn trong bồn nước ấm, khi con đã ngủ say (mặc dù chăm sóc bản thân vẫn rất quan trọng). Bạn cần có công cụ, cách thức để giảm bớt khối lượng công việc chăm con.

Dưới đây là một số cách thức bạn có thể thử:
Tử tế với chính mình
Cảm thấy kiệt sức không đồng nghĩa bạn là một phụ huynh tồi. Điều này đơn giản là bạn đang gánh vác quá nhiều thứ mà chưa có sự giúp đỡ cần thiết.
Thay vì tự trách, hãy nghĩ xem mình sẽ nói gì với một người bạn nếu họ gặp cảnh tương tự? Bạn sẽ không chê trách nếu họ cho con ăn ngũ cốc thay vì nấu một bữa ấm nóng, hoặc vì lỡ quát con. Bạn sẽ vỗ về và bảo họ nghỉ ngơi. Vậy thì hãy dành cho chính mình sự tử tế và bao dung như vậy.
Yêu cầu sự giúp đỡ
Có rất nhiều việc nhà phải làm, nhưng không có nghĩa tất cả đều phải do bạn làm. Đó là những việc có thể hoán đổi - tức bạn có thể làm cùng hoặc nhờ người khác làm giúp, ví dụ:
- Bạn và chồng/ vợ hãy luân phiên chuẩn bị bữa trưa cho con để bạn không phải làm việc đó một mình mỗi tối.
- Hãy nhờ một người hàng xóm đáng tin đưa con ra sân chơi một buổi chiều trong tuần, rồi bạn sẽ làm điều tương tự cho họ vào ngày khác… Những khoảng nghỉ nhỏ như trên có thể mang lại tác động lớn.
Loại bỏ những điều không cần thiết
“Điều không cần thiết” ở đây là những việc bạn không thích nhưng vẫn làm vì nghĩ đó là điều cần có để trở thành phụ huynh tốt. Ví dụ, bạn không cần ép mình đưa con đến lớp học thêm sáng thứ bảy nếu việc đó khiến bạn thấy mệt mỏi. Hoặc, bỏ một buổi làm đồ thủ công cùng con nếu nó chỉ khiến bạn thêm stress vì phải dọn dẹp sau đó...
Nếu việc cắt giảm những hoạt động này giúp bạn bớt căng thẳng, thì hãy mạnh dạn thay đổi. Con bạn vẫn sẽ ổn thôi!
Ưu tiên sức khỏe thể chất
Sức khỏe tinh thần của bạn có liên quan mật thiết đến thể chất. Việc ăn uống lành mạnh, vận động và ưu tiên giấc ngủ (dù không dễ!) là những cách đơn giản nhưng cần thiết để bạn nạp năng lượng, sẵn sàng cho một ngày mới đầy thử thách cùng con.
Đặt ranh giới với con
Việc muốn có một khoảng thời gian riêng tư, dù là nghỉ ngơi, đọc sách hay ôm ấp con, hoàn toàn là điều bình thường. Nhưng trẻ nhỏ thường không chủ động cho bạn khoảng lặng đó, vì vậy bạn cần tự thiết lập. Hãy nói với con một cách đơn giản rằng bạn cần một chút thời gian riêng tư. Điều này cũng giúp trẻ học được tầm quan trọng của việc tự chăm sóc bản thân.
Nếu con thường đi theo bạn vào không gian riêng, hãy giúp bé làm quen với việc này. Nói với con rằng bạn sẽ nghỉ một chút trong một không gian cụ thể, như phòng ngủ. Trẻ sẽ dần ngừng đi theo bạn, vì bé biết bạn đi đâu và sẽ quay lại.
Tìm một nơi để trút bầu tâm sự
Nếu cảm thấy mình sắp bùng nổ, một chuyên gia trị liệu hoặc cố vấn tâm lý có thể giúp bạn. Nhưng một cộng đồng phụ huynh hỗ trợ nhau cũng rất quan trọng. Hãy thử bắt chuyện với một người mẹ / bố khác trông cũng có vẻ mệt mỏi giống bạn để chia sẻ tâm tình. Hoặc, nhờ chồng / vợ cho con ngủ để bạn có thể tham gia câu lạc bộ sách của các bà mẹ trong khu phố…
Chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ có thể không giải quyết hết vấn đề của bạn, nhưng ông bà đã nói “đồng bệnh tương lân”. Đôi khi, chỉ cần cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu cũng đã đủ giúp bạn nhẹ lòng hơn.
Theo Thebump
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |