
Trứng là thực phẩm giàu dinh dưỡng và rất tốt cho sự phát triển của bé. Tuy nhiên khi bắt đầu cho con ăn dặm, nhiều bố mẹ vẫn băn khoăn khi nào nên cho con ăn trứng để tránh dị ứng.
Ngọc Ánh
Những thông tin về dị ứng thực phẩm ở trẻ rất phổ biến và trứng là một trong số đó. Việc quyết định thời điểm thích hợp để đưa trứng vào thực đơn của bé cũng khiến nhiều bố mẹ quan tâm. Cùng tham khảo ý kiến chuyên gia.
Khi nào trẻ có thể ăn trứng?
Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến nghị trẻ nên bắt đầu ăn thực phẩm đặc khi đạt một số cột mốc phát triển như tự nâng đầu, cân nặng gấp đôi so với lúc sinh, biết mở miệng khi thấy thức ăn trên thìa, có thể giữ thức ăn trong miệng và nuốt. Thông thường, các cột mốc này đến trong khoảng 4-6 tháng tuổi.
Ngoài ra, một nghiên cứu do AAP tài trợ cho thấy việc đưa trứng vào thực đơn từ sớm có thể giúp ngăn ngừa dị ứng trứng ở trẻ. AAP cũng khuyến cáo cha mẹ nên cho trẻ kiểm tra dị ứng với trứng nếu có dấu hiệu chàm da vào thời điểm này.

Những điều cha mẹ cần biết
Theo AAP, dị ứng trứng là một loại dị ứng thực phẩm phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 2% trẻ em 1-2 tuổi. Hiệp hội Dị ứng, Hen suyễn và Miễn dịch học Hoa Kỳ (AAAAI) cho biết các triệu chứng dị ứng thực phẩm bao gồm:
- Phát ban hoặc da đỏ, ngứa;
- Nghẹt mũi, hắt hơi;
- Mắt ngứa hoặc chảy nước mắt;
- Nôn mửa, đau bụng hoặc tiêu chảy;
- Phù nề hoặc sưng;
- Sốc phản vệ như sưng họng và lưỡi, khó thở (trong một số trường hợp).
“Nếu nghi ngờ con bị dị ứng trứng, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa để được tư vấn chuyên môn”, bác sĩ Sarkar khuyên.
Lợi ích dinh dưỡng của trứng
Gần đây, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã cập nhật hướng dẫn dinh dưỡng, theo đó khẳng định trứng góp phần quan trọng vào chế độ ăn lành mạnh. Một nghiên cứu từ Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) còn gợi ý trứng có thể giúp giảm tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em.
Bidisha Sarkar - bác sĩ chuyên khoa Nhi tại Clinic Spots - cho biết trứng cung cấp các loại vitamin và khoáng chất gồm A, B12, riboflavin, folate và sắt. Trứng cũng là nguồn choline quan trọng cho sự phát triển não bộ, DHA giúp phát triển hệ thần kinh, kết hợp các chất béo lành mạnh, axit béo omega-3 và những axit amin cần thiết cho sự phát triển cơ bắp.
“Tất cả vitamin và khoáng chất này đều góp phần vào sự phát triển lành mạnh của trẻ, đặc biệt là sự phát triển não bộ và nhận thức”, bác sĩ Sauza cho biết.

Lộ trình đưa trứng vào thực đơn cho trẻ
Khi đã cân nhắc rủi ro và lợi ích của việc cho trẻ ăn trứng, các bậc cha mẹ nên tìm cách an toàn để bổ sung trứng vào thực đơn. Bác sĩ Sarkar khuyến cáo để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, trứng nên được nấu chín hoàn toàn đến khi lòng trắng và lòng đỏ đông đặc.
Lòng đỏ trứng dễ tiêu hóa và ít gây dị ứng hơn lòng trắng. Vì vậy, cha mẹ có thể cho bé làm quen với lòng đỏ trước, rồi dần dần đến lòng trắng khi bé trên 1 tuổi. Đặc biệt, lòng đỏ trứng nên được nấu chín kỹ thay vì để lòng đào.
“Với trẻ lớn hơn, bố mẹ có thể thêm phô mai hoặc một chút gia vị vào trứng để tạo thêm hương vị. Các bậc phụ huynh cũng có thể bắt đầu đa dạng món trứng bằng những cách chế biến khác nhau”, bác sĩ Sarkar bổ sung.
Theo Parents.com
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |