
Đặt kỳ vọng giỏi giang, thành công vào con là tâm lý bình thường của cha mẹ, nhưng nếu tạo áp lực quá mức có thể gây hậu quả nghiêm trọng, từ lo âu, trầm cảm đến mất tự tin.
Ngân An
Mỗi gia đình có một cách khác nhau để khuyến khích con cố gắng. Kỳ vọng cao có thể giúp con phát triển, nhưng nếu lúc nào con cũng phải gồng mình lên để đạt chuẩn, áp lực đó có thể khiến con kiệt sức.
Dấu hiệu khi kỳ vọng từ cha mẹ thành gánh nặng
Nếu con lúc nào cũng cảm thấy phải đạt điểm cao, phải giỏi, phải đứng đầu, thì không chỉ tinh thần mà cả cuộc sống của con cũng sẽ bị ảnh hưởng. Dưới đây là một số hậu quả của việc đặt quá nhiều kỳ vọng lên con:
1. Con dễ bị căng thẳng, lo âu
Khi lúc nào cũng phải chạy đua với điểm số hay thành tích, trẻ rất dễ bị stress. Lâu dài, điều này có thể khiến con rơi vào trầm cảm hoặc gặp các vấn đề tâm lý khác.
2. Nguy cơ chấn thương cao hơn
Những trẻ chơi thể thao với áp lực phải giỏi nhất có thể bất chấp chấn thương mà tiếp tục thi đấu. Nếu không nghỉ ngơi và hồi phục đúng cách, chấn thương có thể trở nên nghiêm trọng hơn, thậm chí ảnh hưởng lâu dài.
3. Dễ có hành vi gian lận
Khi chỉ quan tâm đến thành tích, trẻ có thể tìm mọi cách để đạt được nó, kể cả gian lận. Có thể là nhìn bài bạn trong giờ kiểm tra. Khi áp lực quá lớn, con dễ có suy nghĩ “bất chấp tất cả để đạt điểm cao”.
4. Mất đi sự tự tin và động lực
Khi lúc nào cũng phải đứng đầu, trẻ có thể từ bỏ những thứ mình thích nếu cảm thấy không đủ giỏi. Một bạn nhỏ không phải người chạy nhanh nhất có thể sẽ bỏ bóng đá; một bạn không có giọng hát hay nhất có thể sẽ không dám tham gia đội văn nghệ. Thậm chí, có những bạn còn không muốn đi học nếu cảm thấy mình không thể đạt kết quả xuất sắc.
5. Tự ti, cảm thấy mình không đủ tốt
Việc lúc nào cũng phải cố gắng để đạt kỳ vọng của bố mẹ có thể khiến con mất đi sự tự tin. Trẻ có thể cảm thấy mình không đủ giỏi, không bao giờ làm tốt được, dù đã cố gắng rất nhiều.
6. Thiếu ngủ, kiệt sức
Những bạn chịu áp lực học tập lớn có thể thức khuya học bài, mất ngủ vì lo lắng. Nếu tình trạng này kéo dài, con có thể rơi vào trạng thái mệt mỏi, mất tập trung, ảnh hưởng đến cả sức khỏe và tinh thần.

Đặt kỳ vọng thế nào để không thành áp lực?
Dưới đây là một số cách giúp con phát triển mà không tạo áp lực lên con:
- Khuyến khích con cố gắng hết sức, nhưng đừng chỉ tập trung vào kết quả. Thay vì chỉ hỏi “Hôm nay con được mấy điểm?”, hãy quan tâm đến việc con đã học được gì, con cảm thấy thế nào.
- Nếu nhận thấy mình đang đặt quá nhiều kỳ vọng lên con, hãy tự hỏi: Vì sao điểm số hay thành tích của con lại quan trọng với mình đến vậy? Điều đó có thực sự cần thiết không?
- Lắng nghe con nhiều hơn. Hãy nói chuyện với con về những gì con đang làm, nhưng đừng chỉ nói từ góc nhìn của bố mẹ. Hãy tạo không gian để con chia sẻ cảm xúc, giúp con cảm thấy được thấu hiểu, thay vì chỉ cảm thấy áp lực vì sợ làm bố mẹ thất vọng.
Nhiều người lớn cảm thấy trẻ em ngày nay không còn được sống đúng với tuổi thơ của mình nữa, vì lúc nào cũng phải lo đạt điểm cao, vào trường tốt, giành học bổng…
Kỳ vọng không xấu, nhưng nếu không cẩn thận, nó có thể trở thành gánh nặng khiến con đánh mất niềm vui và động lực. Điều quan trọng nhất là giúp con phát triển mà vẫn giữ được sự cân bằng, hạnh phúc và sức khỏe tinh thần.
Theo Parents.com
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |