
Trẻ nhỏ nhiễm giun có thể bị thiếu máu, suy dinh dưỡng, nhẹ cân hay chậm phát triển, ảnh hưởng tới tinh thần và khả năng học tập hàng ngày.
Phương Hoa
Các chuyên gia cho biết nên chủ động tẩy giun cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Tẩy giun là cách sử dụng thuốc tiêu diệt ký sinh trùng hoặc giun đường ruột trong cơ thể trẻ để giải quyết tình trạng nhiễm giun. Việc không tẩy giun thường xuyên có thể khiến các bé có nguy cơ cao nhiễm giun truyền qua đất, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và sự phát triển của con.
Các yếu tố gây nhiễm giun ở trẻ
Theo Hindustan Times, một số hành vi mất vệ sinh có thể khiến trẻ dễ bị nhiễm giun bao gồm:
- Đi chân trần trên đất có giun
- Ăn thức ăn bằng tay bẩn
- Uống nước bị ô nhiễm hoặc sữa chưa tiệt trùng
- Sử dụng rau chưa rửa để nấu ăn
- Tiếp xúc với động vật
Các dấu hiệu của ký sinh trùng đường ruột bao gồm buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy, cũng như mệt mỏi, chán ăn, mất nước, đi tiểu thường xuyên, sụt cân, mẩn đỏ hoặc phát ban ở vùng mông.
Ngoài ra, trẻ có thể bị suy nhược, kiệt sức hoặc đói do có giun. Khó chịu hoặc đau bụng và phân có lẫn vết máu cũng là những triệu chứng thường gặp cần được can thiệp kịp thời.
Tại sao tẩy giun cho trẻ lại quan trọng?
Mặc dù tác hại của việc nhiễm giun không rõ ràng ngay lập tức, theo thời gian nó có thể trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng. Nhiễm trùng dai dẳng có thể có tác động bất lợi đến sự phát triển, dinh dưỡng, khả năng tinh thần và học tập của trẻ.
Nhiễm giun đường ruột gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của trẻ, do loại ký sinh trùng này tiêu thụ chất dinh dưỡng từ cơ thể trẻ dẫn đến tình trạng dinh dưỡng kém.
Hậu quả phổ biến nhất của việc nhiễm giun là thiếu máu - tình trạng đặc trưng bởi không đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh do giun ăn mô và máu của con người, gây mất sắt và protein.
Nhiễm giun ở trẻ em thường dẫn đến nhẹ cân và chậm phát triển. Nguyên nhân là giun gây kém hấp thu, cản trở quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng thiết yếu ở ruột non.
Một số loại giun có thể làm giảm sự thèm ăn, ảnh hưởng hơn nữa đến sức khỏe thể chất của trẻ và dẫn đến các triệu chứng như tiêu chảy và kiết lỵ.

Cách phòng ngừa nhiễm giun ở trẻ em
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), các gia đình nên có kế hoạch tẩy giun định kỳ cho trẻ và toàn bộ thành viên tối thiểu từ 6 tháng đến 12 tháng một lần để phòng chống nhiễm giun, tái nhiễm và tránh các biến chứng có thể xảy ra.
Ngoài việc tẩy giun định kỳ, cha mẹ cần đảm bảo trẻ và gia đình luôn giữ gìn vệ sinh cẩn thận bằng cách:
- Trước khi ăn, trẻ cần rửa tay
- Cha mẹ nên đảm bảo rửa sạch tất cả trái cây và rau quả trước khi nấu
- Uống nước đã đun sôi
- Cắt tỉa và giữ móng tay của trẻ luôn sạch sẽ
- Trẻ em nên rửa tay trước và sau khi đi vệ sinh
- Tránh những thói quen mất vệ sinh như mút ngón tay, cắn móng tay, gãi mông
- Luôn đảm bảo rằng thức ăn của trẻ được đậy kín.
Theo Tri thức - Znews
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |