
Dọa sảy không đồng nghĩa sẽ mất con. Nếu được chăm sóc đúng cách, nhiều mẹ vẫn giữ thai khỏe mạnh đến cuối thai kỳ.
Mẹ Bao Bao

Triệu chứng điển hình
- Ra máu âm đạo, mức độ từ nhẹ đến trung bình.
- Đau tức hoặc đau âm ỉ từng cơn ở bụng dưới và mỏi ở vùng thắt lưng - dấu hiệu cảnh báo nhưng không đồng nghĩa mất thai.
- Khám thai âm tính.
Nguyên nhân và yếu tố liên quan
*Từ thai nhi:
- Bất thường nhiễm sắc thể: Do trứng hoặc tinh trùng mang gen lỗi (thừa/thiếu nhiễm sắc thể), gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của dọa sảy trong tam cá nguyệt đầu tiên.
- Bất đồng nhóm máu mẹ - con: Thường gặp trong trường hợp mẹ Rh âm, con Rh dương. Hệ miễn dịch của mẹ có thể tạo kháng thể chống lại thai nhi, dẫn đến nguy cơ sảy.
*Từ thai phụ:
- Yếu tố thể chất và bệnh lý: Mắc bệnh mãn tính (tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tuyến giáp, suy tim...); viêm nhiễm phụ khoa, u tử cung hoặc tử cung co bóp bất thường; niêm mạc tử cung mỏng do tiền sử phá thai nhiều lần hoặc dùng thuốc tránh thai kéo dài.
- Tuổi tác: Phụ nữ trên 35 tuổi có nguy cơ dọa sảy thai cao hơn do chất lượng trứng và nội tiết giảm.
- Căng thẳng kéo dài: Làm rối loạn nội tiết, ảnh hưởng đến sự ổn định của thai kỳ.
- Lao động nặng, dinh dưỡng kém: Cơ thể mẹ không đủ sức nuôi thai dẫn đến suy thai hoặc bong nhau thai sớm.
*Từ tác động bên ngoài:
- Va chạm mạnh vùng bụng: Tai nạn, ngã xe hoặc vận động mạnh đều có thể gây tổn thương nhau thai, dẫn đến nguy cơ dọa sảy.
- Xoa bóp bụng hoặc kích thích núm vú: Làm tăng co bóp tử cung bất thường, có thể gây bong nhau thai sớm, đặc biệt nguy hiểm trong tam cá nguyệt đầu tiên.
Xử trí khi bị dọa sẩy thai
- Khi mẹ bầu có dấu hiệu dọa sảy như ra máu âm đạo, đau bụng âm ỉ, cần nghỉ ngơi tại giường càng nhiều càng tốt, hạn chế tối đa vận động mạnh hoặc làm việc nặng. Việc nằm nghỉ giúp tử cung ổn định, giảm co bóp và tăng khả năng giữ thai.
- Về chế độ ăn uống, mẹ nên ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, chọn món mềm, dễ tiêu hóa để tránh bị táo bón (vì táo bón có thể khiến mẹ rặn nhiều, làm tăng nguy cơ động thai). Ngoài ra, nên uống đủ nước mỗi ngày, khoảng từ 1,5 đến 2 lít, trừ khi bác sĩ có hướng dẫn khác.
- Mẹ bầu cũng cần lưu ý khâu vệ sinh cá nhân. Mẹ nên tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm, mặc quần áo thoáng mát, sạch sẽ và luôn giữ vùng kín khô thoáng. Trong trường hợp ra máu, mẹ nên dùng băng vệ sinh mỏng và thay thường xuyên để theo dõi lượng máu cũng như tránh nhiễm khuẩn. Tuyệt đối không thụt rửa sâu hoặc dùng dung dịch vệ sinh nhiều hương liệu, hóa chất.
- Việc dùng thuốc cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ. Không tự ý dùng thuốc hay nghe theo lời mách bảo từ người khác, vì mỗi trường hợp thai kỳ là khác nhau và cần được theo dõi riêng biệt.
Bình luận