

Có lẽ khá nhiều mẹ, đặc biệt là mẹ nuôi con lần đầu, từng stress khi em bé mới mấy tuần tuổi mà cứ khóc vang nhà, khóc như bị ai đánh hàng giờ đồng hồ mà không cách nào ngăn nổi! Dân gian gọi đó là khóc dạ đề (hay colic).
Khóc dạ đề (colic) hay các cơn đau bụng thường bắt đầu khi bé khoảng 3 tuần tuổi và lên đến đỉnh điểm khi trẻ khoảng 6 tuần tuổi, sẽ hết sau 3-4 tháng tuổi.
Colic được định nghĩa là trẻ khóc trong 3 giờ trở lên mỗi ngày, 3 ngày trở lên trong một tuần và trong 3 tuần trở lên. Có khoảng 30% trẻ em bị hiện tượng này.
Đặc điểm của cơn khóc dạ đề
- Khóc dữ dội có vẻ giống như biểu hiện đau đớn.
- Khóc không có lý do rõ ràng, không giống như khóc để thể hiện trẻ đói hoặc cần phải thay tã.
- Các cơn khóc thường xảy ra vào buổi chiều, tối.
- Da mặt đổi màu trong cơn khóc chẳng hạn như đỏ mặt hoặc da nhạt hơn quanh miệng.
- Trẻ có thể nắm chặt bàn tay, gập gối vào bụng, cong lưng hoặc bụng căng.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây khóc dạ đề đến nay chưa rõ ràng. Một số giả thuyết được đưa ra là:
- Hệ thống tiêu hóa của trẻ chưa được phát triển đầy đủ.
- Mất cân bằng vi khuẩn có lợi trong đường tiêu hóa.
- Dị ứng đạm sữa bò hoặc 1 số loại thức ăn.
Hiện tượng khóc dạ đề không gây ảnh hưởng gì đến phát triển của em bé nhưng lại gây ra sự căng thẳng có thể quá mức với bố mẹ và gia đình. Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa colic và các vấn đề sau đây đối với sức khỏe của cha mẹ:
- Tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh ở các bà mẹ.
- Cho con cai sữa sớm.
- Cảm giác tội lỗi, kiệt sức, bất lực hoặc tức giận.

Cần làm gì khi bé khóc dạ đề?
Cho tới nay thì không có phương pháp điều trị tối ưu nào đã được chứng minh là làm cho cơn đau bụng biến mất. Nhưng có nhiều cách để làm cho cuộc sống dễ dàng hơn cho cả bạn và em bé.
Đầu tiên, nếu bé không đói, đừng cố tiếp tục cho bé ăn. Thay vào đó, hãy cố gắng an ủi bé. Bạn có thể:
- Sử dụng núm vú giả.
- Bế bé đi dạo hoặc ngồi trên một chiếc ghế bập bênh, thử nhiều tư thế khác nhau.
- Hãy thử cho bé ợ hơi thường xuyên hơn trong thời gian cho ăn.
- Đặt em bé trên đùi hoặc trên bụng của mình và xoa lưng em bé.
- Thử cho e bé nghe tiếng của máy sấy quần áo đang chạy, hoặc máy hút bụi… Một số trẻ sơ sinh thấy dễ chịu hơn với tiếng ồn thấp liên tục. Bạn có thể thử với máy tạo tiếng ồn trắng.
- Một số nghiên cứu cho thấy điều trị bằng một loại vi khuẩn có tên Lactobacillus reuteri có thể giảm thời gian khóc khi trẻ bị đau bụng colic. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa.

Chăm sóc em bé khóc dạ đề có thể cực kỳ căng thẳng, vì vậy hãy nhớ chăm sóc cho chính mình. Đừng đổ lỗi cho bản thân hoặc bé vì khóc liên tục - đây không phải lỗi của ai cả. Hãy cố gắng thư giãn và nhớ rằng bé cuối cùng sẽ vượt qua giai đoạn này.
Nếu bạn cảm thấy căng thẳng thì hãy nhờ người thân hỗ trợ trông bé để nghỉ ngơi một chút. Nếu không có ai, bạn có thể tạm đặt bé xuống cũi/giường và nghỉ ngơi trước khi thực hiện một nỗ lực khác nhằm xoa dịu con. Bất cứ lúc nào bạn cảm thấy có thể làm tổn thương chính mình hoặc em bé, hãy đặt con xuống cũi và gọi điện thoại cho người thân. Nhớ rằng, không bao giờ được lắc em bé.
Nếu bé có các biểu hiện sau, hãy gọi bác sĩ ngay lập tức:
- Nhiệt độ từ 38 độ C hoặc cao hơn
- Khóc hơn 2 giờ mỗi lần không thể nín
- Bú kém hơn
- Bị tiêu chảy hoặc nôn mửa liên tục
- Hoặc trẻ có vẻ ít tỉnh táo hơn bình thường
Cũng nên gọi cho bác sĩ nếu bạn không chắc bé khóc vì colic hay là triệu chứng của một bệnh khác.
Bài viết được tư vấn bởi BSCKI Nguyễn Hữu Thảo Nếu bạn đang công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và có câu chuyện muốn chia sẻ với Đi Cùng Con, xin vui lòng gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn sẽ giúp ích cho rất nhiều cha mẹ trên hành trình nuôi dạy con. |