

Keo dán sinh học được xem là một trong những giải pháp giúp rút ngắn thời gian hồi phục và đảm bảo tính thẩm mỹ cho mẹ sinh mổ.
Ngày nay, tỷ lệ mổ đẻ ngày càng tăng, vấn đề chăm sóc vết mổ cho các bà mẹ càng được chú trọng. Đó là lý do keo dán sinh học ra đời.
Keo dán sinh học là gì?
Đây là loại keo có tính đàn hồi và khả năng tự phân rã sau một thời gian ngắn, được sản xuất bằng cách kết hợp tropoelastin với một chất kết dính khác. Nhờ vậy, khi được bôi lên vết thương, keo sinh học sẽ che kín miệng vết thương. Dưới tác động của tia cực tím, keo sẽ trở nên cô đặc lại và hình thành một lớp phủ bảo vệ vết thương.
Sinh mổ dán keo sinh học được không?
Theo các chuyên gia, dùng keo dán sinh học trong sinh mổ có thể coi là giải pháp tối ưu hoá việc phẫu thuật, mang lại hiệu quả cao trong quá trình hồi phục của sản phụ. Nhờ vậy, vết mổ lành thương nhanh hơn, không để lại sẹo dày như kỹ thuật khâu chỉ truyền thống.
Lớp keo sẽ bong tróc dần sau 2 tuần mà không cần can thiệp thêm bất cứ biện pháp nào, đây là khoảng thời gian đủ để vết thương liền da. Một số trường hợp da bụng dày, vị trí vết mổ ẩm thì thời gian hồi phục sẽ lâu hơn. Ngoài ra, sản phụ cũng có thể vệ sinh tại vết mổ, vệ sinh cơ thể mà không lo ảnh hưởng đến vùng gia bị tổn thương. Chưa kể, sản phụ không phải chịu cảm giác đau đớn và khó chịu mỗi lần thay băng hay cắt chỉ. Sản phụ cũng có thể đi lại như bình thường sau khoảng 2-3 ngày bôi keo sinh học lên vết mổ.
Khi miếng keo dán sinh học có dấu hiệu bong ra, sản phụ có thể rửa vết mổ nhẹ nhàng bằng nước ấm, tuyệt đối không chà xát mạnh. Khi vết thương đã lành hẳn, mỗi khi tắm rửa, sản phụ nên tắm rửa nhẹ nhàng để vết keo bong ra một cách tự nhiên, không cố bóc miếng keo sinh học. Ngoài ra, các mẹ cũng cần hạn chế ngâm mình quá lâu trong bồn và tránh để vết mổ đẻ tiếp xúc lâu với nước.
Sinh mổ dán keo sinh học có an toàn?
Các nghiên cứu chỉ ra việc sử dụng keo sinh học trong sinh mổ là một trong những phương pháp an toàn và vô cùng hiệu quả. So với phương pháp khâu vết thương truyền thống, dán keo sinh học giúp giảm thiểu thời gian phẫu thuật đồng thời giảm nguy cơ nhiễm trùng cho sản phụ sau sinh.
Những vấn đề cần lưu ý khi sử dụng keo sinh học dán vết mổ đẻ
Để đảm bảo an toàn và tối ưu hiệu quả, khi sử dụng keo sinh học để dán vết mổ đẻ, sản phụ cần lưu ý một số vấn đề sau:
• Sử dụng keo sinh học dán vết mổ đẻ cần được thực hiện bởi những bác sĩ hoặc chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
• Trước khi sử dụng keo sinh học, vết mổ cần được làm sạch và thấm khô.
• Trong quá trình sử dụng keo sinh học dán vết mổ, cần tuân thủ các quy định vệ sinh và phòng ngừa nhiễm trùng.
• Theo dõi vết mổ thường xuyên nhằm đảm bảo vết mổ đang hồi phục tốt và không có dấu hiệu bị nhiễm trùng.
• Sản phụ tuyệt đối không được tự ý gỡ keo sinh học ra khỏi vết mổ.
• Thực hiện thăm khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
Bài viết được tư vấn bởi BSCKI. Nguyễn Thị Kim Ngọc - Nguyên PGĐ Bệnh viện Nhi Ninh Bình Phòng khám Đa khoa Quốc tế Ninh Bình Thăng Long Nếu bạn đang công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và có câu chuyện muốn chia sẻ với Đi Cùng Con, xin vui lòng gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn sẽ giúp ích cho rất nhiều cha mẹ trên hành trình nuôi dạy con. |