
Đối phó với việc bé quấy khóc và không muốn đi học có thể là một thử thách lớn. Dưới dây, tôi chia sẻ một số kinh nghiệm đúc kết sau hơn 10 năm làm nghề giáo.
Cô giáo Minh Thu
Công tác trong ngành mầm non, hàng ngày tôi tiếp xúc với rất nhiều bé học sinh và trải nghiệm nhiều tình huống khác nhau. Trong đó, câu hỏi tôi gặp nhiều hơn cả là “Làm sao cho con được thoải mái, vui vẻ, hào hứng khi đến lớp mà không quấy khóc hay cảm thấy lo sợ?”.
Có một vài cách mà bố mẹ có thể thử để giúp con thoải mái hơn.
- Lắng nghe và hiểu lý do: Các con có thể có lý do cụ thể dẫn đến không muốn đi học như sợ bị bắt nạt hoặc không thích giáo viên nào đó. Bố mẹ hãy thử tìm hiểu và nói chuyện với các con để biết nguyên nhân thực sự.
- Tạo môi trường thoải mái: Đảm bảo rằng con cảm thấy an toàn và thoải mái cả ở nhà và trường học. Bản thân giáo viên và nhân viên nhà trường cũng rất mong muốn các con đi học hứng khởi mỗi ngày. Vì thế nếu có băn khoăn hay cần hỗ trợ gì từ nhà trường, bố mẹ hãy tự tin trao đổi với giáo viên.
- Thiết lập thói quen: Các con thường dễ dàng thích nghi với những thói quen nhất định. Vì vậy, bố mẹ hãy thiết lập một thói quen buổi sáng rõ ràng và nhất quán để con biết rõ những gì cần làm trước khi đi học.
- Khuyến khích và động viên: Hãy khen ngợi ngay khi con làm tốt một việc gì đó hoặc khi con đi học mà không quấy khóc. Sự khuyến khích và động viên có thể giúp con cảm thấy tự tin hơn.
- Giữ bình tĩnh và kiên nhẫn: Việc trẻ con quấy khóc và không muốn đi học có thể khiến cả bố mẹ và cô giáo stress, nhưng hãy cố gắng giữ bình tĩnh và kiên nhẫn. Sự bình tĩnh của chúng ta có thể giúp con cảm thấy an tâm và ổn định hơn.

Tùy từng trẻ, tôi có thể áp dụng các cách khác nhau. Trong đó, giữ bình tĩnh và kiên nhẫn là cách tôi hay dùng để xử lý tình huống khi học sinh lớp tôi khóc òa mỗi khi rời tay bố mẹ, ông bà để vào lớp.
Cách này đặc biệt quan trọng, bởi khi người giáo viên hoặc người đưa trẻ đi học gặp tình huống này mà bản thân không giữ được bình tĩnh, bực tức và quát mắng, dọa nạt trẻ sẽ càng làm cho các con có tâm lý sợ hãi, càng quấy khóc không muốn đi học hơn.
Thay vì to tiếng, tôi thường ngồi xuống ngang mặt các con, động viên, dỗ dành, tạo cho trẻ cảm giác an toàn và gần gũi khi đến lớp.
Tiếp đó khi trẻ đã đỡ quấy khóc hơn, tôi kết hợp với những cách thức khác như phân tích cho trẻ hiểu vì sao con phải đi học, ví dụ: Để được chơi với các bạn; để chơi rất nhiều đồ chơi khác nhau; để được học các bài hát, nghe những câu truyện mà cô giáo dạy; để bố mẹ còn có thời gian đi làm kiếm tiền mua đồ ăn, quần áo đẹp cho con…
Luôn động viên, khích lệ trẻ mọi lúc, mọi nơi sẽ giúp trẻ hào hứng, gần gũi và thích thú hơn trong thời gian đi học tại lớp với cô và các bạn.
Hy vọng những gợi ý này sẽ giúp ích cho bố mẹ và các bé. Nếu tình trạng này kéo dài hoặc các bố mẹ cảm thấy không thể giải quyết, có thể cân nhắc tham khảo ý kiến của chuyên gia tâm lý trẻ em để nhận được sự tư vấn chuyên môn.
Bài viết được chia sẻ bởi cô Minh Thu - giáo viên mầm non tại Hà Nội. Nếu bạn đang công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và có câu chuyện muốn chia sẻ với Đi Cùng Con, xin vui lòng gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn sẽ giúp ích cho rất nhiều cha mẹ trên hành trình nuôi dạy con. |