
Chuẩn bị bao nhiêu là đủ cho một lần đi đẻ và một số kinh nghiệm chọn bệnh viện đi đẻ, chọn chỗ ở cữ và công việc trong thời gian ở cữ nhé
Lani
50 triệu, 100 triệu hay 300 triệu, con số nào là đủ…với mình. Để yên tâm thả bầu thì mình đã dành dụm trong tài khoản “riêng” cỡ trăm triệu và tìm hiểu kỹ các bệnh viện công và tư về phụ sản. Mình rút ra vài điều sau:
Nên chọn bệnh viện tư hay công?
Bệnh viện công nhìn chung đông đúc, chật chội, dịch vụ không được ưu tiên nên mình không thích sinh con trong điều kiện như thế. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp sinh khó thì bệnh viện công tốt hơn vì luôn có bác sĩ đầu ngành và đầy đủ thiết bị xử lý.
Còn bệnh viện tư thì chắc chắn đắt hơn nhưng mình thấy có this có that… cũng có nhiều bệnh viện tư không quá đắt đâu. So phòng VIP của bệnh viện công với mấy phòng ổn ổn bên bệnh viện tư thì giá gần như nhau, mà dịch vụ tốt hơn, riêng tư hơn hẳn.
Quan điểm của mình là khám bầu bác sĩ nào thì đẻ ở bệnh viện có bác sĩ đó, nếu chỉ định bác đỡ đẻ cho mình được thì càng tốt. Vì họ đi cùng mình xuyên suốt hành trình bầu thì họ sẽ là người hiểu tình trạng sức khoẻ của mình nhất, đi sinh sẽ yên tâm hơn. Nên các mẹ khám bác sĩ nào thì hỏi bác đỡ đẻ ở đâu rồi theo luôn cho đảm bảo nha.
Thế là chạm mốc thai 24 tuần, mình quyết định đăng ký gói sinh của bệnh viện tư nằm ở trung tâm thành phố. Bác sĩ khám bầu cho mình đỡ đẻ ở đây, sức khoẻ cả thai kỳ của mình trộm vía ổn định nên mình chọn sinh ở bệnh viện tư luôn. Mình thấy lúc sinh con, cơ thể yếu ớt nhất thì bỏ thêm chút chi phí để được chăm sóc cũng đáng.
Nên chọn phòng thường hay phòng VIP?
Mình nghe tư vấn, nếu đẻ thường, các “mẹ bỉm” sẽ lưu trú lại viện 2-3 ngày để theo dõi sau sinh. Đấy là trường hợp vào viện đẻ luôn nha, còn người nào chưa sinh ngay được thì phải ở lâu hơn. Bệnh viện tư mình chọn có 3 loại phòng cho lưu trú sau sinh là:
- Phòng đôi rẻ nhất ở chung với một sản phụ khác. Mình nghĩ cảnh ban đêm phải nghe tiếng con mình khóc đã đành đi, phải nghe thêm tiếng con của người khác oe oe nữa thì sao nghỉ nổi.
- Phòng đơn đắt hơn, thêm khoảng 300.000-900.000/ngày được ở riêng, có nội thất cơ bản gồm giường cho mẹ, nôi cho bé, sofa, tủ lạnh, TV...
- Phòng đắt nhất là phòng VIP rộng, sang hơn, có thêm giường cho người thân ở lại.
Vì người nhà mình ít - vợ chồng mình ở riêng trong Nam, ông bà ở hết ngoài Bắc - mỗi lần chăm bà đẻ thì chỉ một người thay nhau vào thôi, chủ yếu vẫn là anh chồng trai tráng, lực lưỡng chăm mình nên dùng phòng VIP cao cấp hơi lãng phí. Khoản tiết kiệm từ đặt phòng VIP này, mình dùng để đặt vé máy bay đón bà nội, bà ngoại từ Bắc vào sẽ ổn hơn.
Tài chính của nhà mình là kiểu “liệu cơm gắp mắm”, giống bao gia đình trẻ mới có con lần đầu thôi. Nhưng vợ chồng mình đồng quan điểm ưu tiên sự thoải mái cho mẹ và bé nên không cố chắt bóp từng xu, tiết kiệm để mình phải chịu đựng ngột ngạt khi ở phòng đôi. Thế là mình chọn ở phòng đơn trong 2-3 ngày cộng thêm gói sinh thường thì giá là khoảng 25 triệu.
Nên ở cữ nhà nội hay nhà ngoại?
Nếu như ai ở gần nhà bố mẹ thì mình thấy sẽ tiết kiệm kha khá và được chăm kỹ hơn. Nhưng mà mình không thích thế, mình thích tự do nên… tự lo. Đùa thôi, chứ mình về quê để chồng ở lại một mình thấy thương quá. Dù thế nào có vợ ở bên, anh sẽ an tâm hơn. “Đồng vợ, đồng chồng, tát biển đông cũng cạn” - cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn sẽ nhanh hơn - 2 vợ chồng có cơ hội trưởng thành hơn, yêu thương nhau hơn nữa.
Các khoản cần chuẩn bị thêm và kiếm tiền ở đâu?
Quay trở lại đi sinh hết bao nhiêu tiền, ngoài khoản viện phí ra thì còn một số khoản chị em nên chuẩn bị trước như là:
- Tiền nuôi con trong những tháng đầu (nôi, tã lót, quần áo, sữa, tiêm phòng...). Ít nhất mẹ nên cầm trong tay 50 triệu để xoay sở tạm, chồng cần phải đưa thêm. Ngoài ra bố mẹ cho, mọi người gửi tiền mừng cũng sẽ giúp bạn một phần.
- Công việc remote để vừa ở nhà chăm con, vừa giữ được nhịp công việc. Vợ chồng cùng nhau lập nghiệp nên không thể nghỉ hẳn 6 tháng chỉ để nuôi con được. Mình sẽ tiếp tục làm, nhưng chỉ làm việc nhẹ nhàng thôi - như cách “khởi động tinh thần”, vừa giữ kết nối với công việc, vừa tránh phụ thuộc 100% vào chồng. Lỡ có chuyện gì bất ngờ xảy ra, ít ra mình vẫn còn phương án dự phòng để nuôi con.
Nhưng mình nhấn mạnh “công việc remote là dự phòng”, làm chill chill thôi, không khuyến khích mọi người đặt nặng kiếm tiền. Quan trọng nhất là ưu tiên sức khoẻ, tập trung phục hồi cơ thể. Còn tiền chủ yếu dựa vào chồng chứ chị em mình đừng dại gì ôm cả kiếm tiền lẫn chăm con vào người đúng giai đoạn mới đẻ yếu ớt về cả thể xác lẫn tinh thần này nha.
Mình có một cô bạn bằng tuổi mới ở cữ 1 tháng thôi là chồng đã sốt vó lên “Em đi làm lại đi chứ làm sao anh có thể nuôi hết cái miệng ăn này…”, nghe có đau lòng không? “Gái chửa, cửa mả”, lúc vợ yếu ớt, cần được nghỉ ngơi, cần chở che, bảo vệ mà lại bắt đi làm. Đáng lẽ ra việc nuôi vợ con trong lúc này là trách nhiệm của chồng mà ổng lại chia việc 50-50.
Thế nên trước khi thả bầu, mình đã dành kha khá thời gian để làm công tác tư tưởng cho chồng. Liên tục gieo rắc vào đầu của anh suy nghĩ: “Anh phải nuôi em khi em có bầu và sinh con vì em yếu lắm, gần như em không thể kiếm tiền đâu…”. Mình cứ thôi miên ổng theo mindset này nên hiện tại bầu bì mình được nhờ nhiều lắm.
Tạm kết thì một lần đi sinh, các bạn nên chuẩn bị sẵn ít nhất 100 triệu trong tài khoản và một công việc remote nhẹ nhàng, kiếm được tiền để phụ giúp gia đình nhé! Chúc các mom có một thai kỳ khoẻ mạnh và sinh con thuận lợi nhen!
Mình, cô gái 27 tuổi kể về lần đầu tiên làm mẹ :)
Bình luận