

Các mẹ luôn quan tâm lịch tiêm phòng cho bé, trong đó vaccine phòng lao là mũi tiêm quan trọng. Tiêm vaccine lao cho trẻ ngay trong tháng đầu sau sinh là cách hiệu quả để phòng ngừa bệnh nguy hiểm này.
Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm do trực khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây ra. Vi khuẩn lao thường gây bệnh ở phổi (lao phổi), nhưng cũng có thể gây bệnh ở tất cả các bộ phận khác của cơ thể như xương, khớp, não-màng não, ruột, thận-tiết niệu,...
Phương thức lây truyền
Bệnh lao lây truyền từ người sang người, đặc biệt trong môi trường kín, kém thông khí. Bệnh lây qua đường hô hấp khi người lành hít phải những giọt bắn có chứa vi khuẩn do người bệnh ho, hắt hơi, khạc đờm, nói chuyện... Khi đó, họ có thể bị nhiễm lao tiềm ẩn (vi khuẩn ở trạng thái ngủ, không có triệu chứng gì và không gây bệnh) hoặc mắc bệnh lao thể hoạt động.
Khoảng từ 5% đến 10% người nhiễm lao tiềm ẩn sẽ phát triển thành bệnh lao sau này. Người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân lao, người mắc các bệnh lý suy giảm miễn dịch, tiểu đường, suy dinh dưỡng, hút thuốc lá,... có nguy cơ cao mắc bệnh lao.
Các triệu chứng phổ biến của bệnh lao và biến chứng
Người mắc bệnh lao có thể có hoặc không có triệu chứng. Các triệu chứng phổ biến của bệnh lao phổi là:
- Ho khạc đờm kéo dài hoặc ho ra máu
- Sụt cân không do ăn kiêng
- Sốt
- Đổ mồ hôi về đêm
Người mắc bệnh lao ngoài phổi có thể có dấu hiệu và triệu chứng khác với mắc lao phổi, tùy thuộc vào cơ quan, bộ phận cơ thể bị vi khuẩn xâm nhập. Ví dụ, lao xương khớp có thể làm sưng đau và ảnh hưởng tới khớp xương, cột sống, hoặc lao màng phổi gây tràn dịch màng phổi...
Trẻ nhỏ mắc lao thường không hoặc chậm tăng cân. Bệnh lao nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ phục hồi tốt, không để lại di chứng. Nếu không được điều trị, người mắc bệnh lao, đặc biệt là lao kháng thuốc, có thể bị suy kiệt, dẫn đến tử vong.
Vaccine và lịch tiêm chủng
Tiêm vaccine lao là biện pháp an toàn và hiệu quả giúp trẻ phòng bệnh lao. Trẻ em cần được tiêm một liều vaccine BCG trong tháng đầu sau sinh.
Nhóm không nên tiêm vaccine BCG là trẻ nhiễm HIV và trẻ trên 1 tuổi.

Phản ứng sau tiêm chủng có thể gặp
Phần lớn trẻ em đều có phản ứng tại chỗ tiêm. Thông thường, ngay sau khi tiêm vaccine BCG, thường xuất hiện nốt nhỏ tại chỗ tiêm và biến mất sau 30 phút. Sau khoảng 2 tuần, xuất hiện một vết loét đỏ có kích thước bằng đầu bút chì. Sau đó 2 tuần, vết loét tự lành để lại một sẹo nhỏ có đường kính 5mm. Điều đó chứng minh trẻ đã có miễn dịch phòng bệnh lao.
Rất ít trẻ có phản ứng nặng sau tiêm BCG. Trong 1 triệu trẻ tiêm BCG, chỉ có 1 trường hợp có thể nhiễm lao. Trường hợp này thường xảy ra ở người nhiễm HIV hoặc những bị thiếu hụt miễn dịch nặng.