
Những cơn cáu giận có thể bắt đầu xuất hiện từ thời điểm trẻ mới biết đi (từ 15 tháng tuổi). Để tránh cáu giận ảnh hưởng xấu đến trẻ, cha mẹ nên thiết lập các quy tắc.
Bình An
Trẻ mới biết đi có thể nổi cơn cáu giận, ăn vạ bất chợt. Đó là một phần của quá trình phát triển, nhưng hẳn không phụ huynh nào muốn chứng kiến việc trẻ lăn lộn trên sàn mười lần một ngày, tức giận và la hét. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách đối phó với cơn giận dữ của trẻ ở tuổi chập chững biết đi.
Mẹo 1: Đánh lạc hướng trẻ nếu bạn cảm thấy cơn giận sắp đến
Liệu bạn có thể cảm nhận được cơn thịnh nộ sắp diễn ra của con? Nếu có, hãy cố gắng đánh lạc hướng nó ngay lập tức. Bạn có thể hát một bài hát bất kỳ, nói với con rằng bạn nhìn thấy một chú chim xinh đẹp bên ngoài cửa sổ hoặc yêu cầu con đưa cho bạn chiếc xe lửa, búp bê... Bạn nói gì không quan trọng, miễn là điều đó làm con bị phân tâm khỏi cơn giận. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, bởi một khi trẻ đã nổi cơn thịnh nộ sẽ thường khó xoa dịu hơn.

Mẹo 2: Tạo “không gian giận dữ” an toàn
Con bạn khi mất kiểm soát có thể ngã lăn xuống sàn trong cơn giận dữ, bạn hãy chắc chắn rằng môi trường xung quanh an toàn. Hãy tưởng tượng: Trong siêu thị vào một chiều thứ bảy bận rộn, con bạn nổi cáu, nằm ăn vạ ở sàn, chân tay khua khoắng trong khi mọi người vẫn tất bật đẩy xe hàng qua lại. Điều này thực sự không an toàn.
Nếu con nổi cơn thịnh nộ ở nhà, bạn có thể đặt trẻ vào “không gian giận dữ” của riêng bé một lúc. Đó có thể là chiếc cũi thân thuộc. Cũi của bé là nơi để ngủ và bé sẽ cảm thấy an toàn khi ở đó.
Mẹo 3: Đừng luôn cho trẻ những gì trẻ muốn
Khi con bạn mè nheo muốn ăn kẹo, việc này có thường kết thúc bằng cơn giận dữ không? Nếu có, cha mẹ không nên nhượng bộ ngay cả khi có khách ghé thăm và không muốn khách chứng kiến điều đó. Nếu bạn nhượng bộ, bé hiểu rằng sau cơn giận dữ là phần thưởng. Vì vậy, rất có thể lần sau bé sẽ lại nổi cơn thịnh nộ nếu bạn không cho bé thứ bé muốn.
Mẹo 4: Cố gắng kiểm soát cơn giận của chính mình
Bé bước vào giai đoạn mới biết đi dễ cảm thấy lo lắng và bực dọc. Khi bé la hét, ăn vạ, bạn rất có thể sẽ cảm thấy những cảm xúc tiêu cực. Lúc này, hãy cố gắng giữ bình tĩnh. Nếu cần thiết, hãy ra khỏi phòng trong giây lát. Đừng la mắng hoặc đánh con. Ở vai trò cha mẹ, bạn nên là tấm gương dạy con mọi việc, và nếu bạn không muốn con la mắng hay động chân tay với mình thì cũng đừng làm điều đó.

Mẹo 5: Tìm ra nguyên nhân của cơn giận dữ
Trẻ mới biết đi có thể cáu giận vì thất vọng hoặc bức bối khi không thể làm được điều gì đó. Cơn giận là cách bé tìm lại sự nhẹ nhõm và dù sao đi nữa, bé cũng chưa biết làm gì hơn ngoài nổi cáu. Nên việc cha mẹ cần làm là vỗ về an ủi con.
Dựa trên kinh nghiệm cá nhân, bạn cần nhận biết có phải con đang mệt mỏi sau khi đi nhà trẻ không, từ đó thay đổi kế hoạch cho ngày hôm đó. Đơn cử, đừng đưa trẻ đi chơi hay thăm họ hàng nếu nhận thấy sự mệt mỏi dễ khiến trẻ cáu giận.
Phải làm gì sau cơn giận dữ?
Sau cơn giận dữ, tốt nhất bạn nên giữ thái độ trung lập. Nhưng nếu con lại gần và muốn ôm, hãy ôm trẻ. Hoặc nếu bé lấy đồ chơi ra chơi, bạn hãy cùng chơi với bé một lúc. Đừng gợi lại những cơn giận dữ của trẻ bởi nó đã kết thúc rồi.
Theo The Wonder Weeks
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |