
Trải qua 7749 lần đối phó với tình trạng hăm tã của con, tôi rút ra được kha khá kinh nghiệm xử trí từ các mẹo dân gian.
Hoài An
Con trai tôi được 6 tháng tuổi. Có lẽ do cơ địa mà từ 3 tháng, bé thường xuyên bị hăm tã. Vì ngứa ngáy đau rát, con khá quấy. Tôi thử nhiều cách để trị hăm cho bé, từ đổi tã dán sang tã quần, không dùng tã có hương liệu, sử dụng kem chống hăm… nhưng tình trạng sưng đỏ không cải thiện.
Cuối cùng, dưới gợi ý của mẹ chồng, tôi thử một số mẹo dân gian với dược liệu cây nhà lá vườn dù trước đó cũng bán tín bán nghi. Theo lời bà, lá mướp đắng (khổ qua) có tính mát, vị đắng, có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm và sát trùng cao. Tôi đi xin được một nắm lá về làm sạch và đun nước rửa cho bé. Bên cạnh lá mướp đắng, tôi cũng sử dụng lá trầu không và trà xanh để nấu nước rửa.
Các loại lá tươi sau khi mua về tôi sẽ ngâm nước muối loãng để làm sạch, sau đó cho vào nồi nước đang sôi, chờ nước sôi trở lại rồi tắt bếp. Tiếp đó cho con ngồi vào thau nước lá đã pha loãng, ấm tay; dùng khăn sữa lau toàn thân, massage nhẹ nhàng vùng da bị hăm.

Thật may sau vài ngày, tình trạng hăm của con cải thiện đáng kể. Ngoài rửa bằng nước lá, tôi giữ cho vùng da bị hăm luôn khô thoáng sạch sẽ, thay tã thường xuyên kết hợp cho bé mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát.
Tìm được cách trị hăm hiệu quả cho con, tôi muốn chia sẻ với các mẹ gặp tình trạng tương tự. Tuy nhiên, các mẹ cần lưu ý các mẹo dân gian chỉ mang tính hỗ trợ, không thể thay thế cho việc điều trị y khoa. Nếu tình trạng hăm không cải thiện, mẹ cần đưa con đến thăm khám bác sĩ để có can thiệp kịp thời nhé.
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |