
Trải qua quá trình mang thai, tôi hiểu rõ những thay đổi mà cơ thể người phụ nữ gặp phải trong giai đoạn này. Với tôi, vấn đề nhỏ nhưng lại gây nhiều nỗi lắng lo mà nhiều mẹ bầu gặp phải là rạn da. Thời điểm nhận thấy mông và bụng có dấu hiệu đỏ, ngứa râm ran, tôi dần suy đoán rằng cơ địa của mình “hợp rơ” với rạn da, đồng thời bỏ sức tìm hiểu về tình trạng này.
Hoàng Quỳnh
Rạn da khi mang thai thường xuất hiện ở những vị trí nào?
Hầu hết bà bầu trò chuyện với tôi nếu có cơ địa rạn thì chúng sẽ xuất hiện đầu tiên ở các vị trí sau:
- Bụng: Đây là vị trí thường gặp nhất của rạn da khi mang thai. Khi đi khám và trao đổi với bác sĩ, tôi hiểu tình trạng rạn da bụng rất phổ biến khi mang thai, nguyên nhân là sự tăng trưởng của thai nhi khiến da bụng bị kéo căng và dẫn đến rạn da. Vết rạn da của tôi xuất hiện ở hai bên hông bụng, kéo dài từ rốn xuống dưới.
- Ngực: Khi mang thai, ngực của phụ nữ cũng tăng kích thước để chuẩn bị cho việc cho con bú. Điều này có thể khiến da bị kéo căng và dẫn đến rạn da. Vết rạn thường xuất hiện ở phần trên và hai bên ngực. Thật may là tôi không gặp tình trạng này, tuy nhiên bạn bè (thường có vòng 1 “đồ sộ”) vẫn hay than thở bị nứt rạn hai bên bầu ngực trước sinh.

- Mông và đùi: Do sự tăng cân và tích tụ mỡ ở vùng mông và đùi, da ở những vị trí này có thể bị kéo căng, dẫn đến rạn da. Tôi bị rạn da mông rất trầm trọng, một phần vì cơ địa thấp bé và gầy.
- Bắp tay: Ở một số phụ nữ, rạn da có thể xuất hiện ở bắp tay, đặc biệt là ở phần mặt trong của bắp tay.
Như tôi đã chia sẻ, dù rạn da khi mang thai là một vấn đề phổ biến, nhưng không phải tất cả phụ nữ mang thai đều bị rạn da toàn bộ các vùng kể trên. Một số yếu tố có thể tăng nguy cơ bị rạn da khi mang thai là tiền sử gia đình bị rạn da (nếu mẹ hoặc chị em gái của bạn từng bị rạn da khi mang thai, bạn có nguy cơ bị rạn da cao hơn); mang thai nhiều; mang thai song thai hoặc đa thai; tăng cân nhanh…
Cách ngăn ngừa rạn da hiệu quả
Tham khảo ý kiến bác sĩ, tôi rút ra một số cách để phòng ngừa và điều trị rạn da khi mang bầu. Cách đơn giản nhất là duy trì cân nặng hợp lý. Việc tăng cân từ từ và đều đặn trong suốt thai kỳ có thể giúp giảm nguy cơ rạn da. Các bà bầu cũng cần uống nhiều nước mỗi ngày để giúp da giữ được độ ẩm và đàn hồi.
Dưỡng ẩm da các khu vực có nguy cơ rạn từ tháng thứ 3 thai kỳ. Việc sử dụng kem dưỡng ẩm hoặc dầu dưỡng có chứa vitamin E và A có thể giúp da đàn hồi tốt hơn. Cách này tôi rút ra từ chia sẻ của nhiều mẹ và chắc chắn sẽ áp dụng khi bầu lần sau.

Trường hợp giống như tôi – bị rạn từ rất sớm, các mẹ nên tránh gãi các vết rạn da. Việc này có thể khiến vết thương trở nên sẫm màu và khó cải thiện sau sinh.
Rạn da khi mang thai là một vấn đề bình thường, không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Tôi nghĩ các mẹ vẫn nên tự tin và yêu thương cơ thể của mình trong giai đoạn mang thai. Nếu lo lắng về tình trạng này, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phù hợp. Hy vọng những chia sẻ của tôi sẽ giúp ích cho các mẹ bầu trong việc giải tỏa cảm xúc cũng như phòng ngừa rạn da khi mang thai, đón nhận thai kỳ khỏe mạnh và nhiều niềm vui!