
Súng đồ chơi là một món đồ chơi quen thuộc trong tuổi thơ của nhiều trẻ em, nhưng lại gây không ít tranh cãi trong cộng đồng nuôi con.
Thanh Hà
Từ góc độ giáo dục và an toàn, việc để trẻ tiếp xúc với súng, dao, kiếm đồ chơi khiến nhiều phụ huynh băn khoăn: Liệu những món đồ chơi này có phù hợp?
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra trẻ em thường xuyên tiếp xúc với bạo lực súng đạn dễ mắc phải các rối loạn tâm lý, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển não bộ và có thể gây ra phản ứng tiêu cực. Theo trang Parents, bác sĩ Nhi khoa Adiaha I. A. Spinks-Franklin cảnh báo những tác động từ súng, dao, kiếm đồ chơi có thể để lại hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe tâm thần của trẻ. Trẻ nhỏ thường khó phân biệt giữa súng thật và súng đồ chơi.
Một nghiên cứu được thực hiện năm 2019 cho thấy chưa đến 50% số trẻ em có thể nhận diện chính xác một khẩu súng thật khi được đặt cạnh một khẩu súng đồ chơi. Điều này dẫn đến rủi ro nghiêm trọng, khi trẻ có thể nhầm lẫn súng thật và tiếp xúc với các vật nguy hiểm.

Tuy nhiên, trái với nhiều lo ngại trên, một nghiên cứu năm 2018 cho thấy việc chơi với súng đồ chơi không phải yếu tố tạo ra nguy cơ dẫn đến những hành vi hung hăng về sau. Tiến sĩ Spinks-Franklin nhấn mạnh việc giả vờ “hung hăng” là một diễn biến tâm lý bình thường trong sự phát triển của trẻ. Không có cơ sở để chứng minh điều này khiến trẻ trở nên bạo lực khi lớn lên.
“Chơi với Lego không có nghĩa trẻ sẽ trở thành kiến trúc sư hay kỹ sư. Chơi búp bê không đảm bảo trẻ sẽ thành cha mẹ tốt. Đây đều là cách trẻ em vận dụng trí tưởng tượng, khả năng nhập vai và thấu hiểu thế giới xung quanh”, bà Spinks-Franklin nói.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với quan điểm này. Trong khi một số chuyên gia trị liệu cho rằng súng đồ chơi có thể giúp trẻ xả stress một cách an toàn, một số khác lại lo ngại việc cho trẻ chơi với đồ chơi mô phỏng vũ khí có thể khuyến khích hành vi hung hăng.

Quyết định có nên để trẻ chơi với đồ chơi súng hay không là lựa chọn cá nhân, thường chịu ảnh hưởng từ văn hóa và tôn giáo. Nếu lựa chọn cho phép, Bệnh viện Nhi Mott (Đại học Y tế Michigan, Mỹ) khuyến nghị những điều sau để các phụ huynh bảo vệ an toàn cho con mình:
- Giám sát chặt chẽ: Luôn theo sát trẻ khi chơi với súng đồ chơi, đặc biệt là các loại súng có bắn ra đạn giả.
- Tránh nhầm lẫn: Không chọn những loại súng đồ chơi có hình dáng quá giống súng thật.
- Bảo vệ an toàn: Trang bị đầy đủ đồ bảo hộ cho trẻ, đặc biệt là kính bảo hộ, khi chơi với các loại súng bắn đạn giả.
- Giáo dục trẻ: Giải thích cho trẻ về sự khác biệt giữa súng đồ chơi và súng thật, tầm quan trọng của việc tránh tiếp xúc bạo lực.
Cuối cùng, khi cho phép trẻ chơi với đồ chơi súng, hãy chọn không gian an toàn như sân nhà hoặc ngoài trời thay vì công viên hay trường học. Nuôi dạy con là một hành trình phức tạp và trong việc tiếp xúc với đồ chơi súng, hiểu đúng để quyết định đúng chính là chìa khóa.
Theo Parents
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |