
Sau những khoảnh khắc hạnh phúc đón chào thiên thần nhỏ, việc chăm sóc bản thân, trong đó có tái khám sau sinh, là vô cùng cần thiết.
Thu Hà
Sau chuỗi ngày mang nặng đẻ đau, được chào đón thiên thần nhỏ, các mẹ thường dành hết tâm trí chăm sóc con. Tuy nhiên trong niềm hạnh phúc ấy, nhiều mẹ lại vô tình bỏ qua một việc vô cùng quan trọng, đó là khám sức khỏe sau sinh.
Thông thường, các mẹ nghĩ rằng sau khi sinh, nếu cơ thể không có biểu hiện gì bất thường như đau đớn, sốt, chảy máu nhiều... là đã khỏe mạnh. Chính suy nghĩ chủ quan này khiến nhiều mẹ bỏ qua những buổi khám quan trọng.
Thực tế, có rất nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn chúng ta không thể phát hiện bằng mắt thường. Việc khám sức khỏe định kỳ sau sinh sẽ giúp phát hiện sớm các vấn đề này, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Đồng thời, đây là cầu nối để bác sĩ tư vấn những phương pháp chăm sóc phù hợp, đảm bảo mẹ hồi phục nhanh và an toàn.

Thông thường, mẹ nên đi khám khoảng 6-8 tuần sau sinh. Đây là thời gian cơ thể mẹ đã ổn định hơn và các vấn đề sức khỏe có thể được phát hiện sớm. Tuy nhiên, nếu mẹ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như sốt, đau bụng dữ dội, chảy máu nhiều, tiết dịch có mùi hôi... thì hãy đi khám ngay.
Hầu hết bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện cơ thể mẹ để đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát, đặc biệt là cơ quan sinh sản.
Khám lâm sàng
Đây là bước đầu tiên và vô cùng quan trọng trong quá trình tái khám sau sinh. Lúc này, bác sĩ sẽ có cái nhìn tổng quan về tình trạng sức khỏe của mẹ sau khi vượt cạn.
Cụ thể, bác sĩ sẽ tiến hành đo huyết áp, nhịp tim và nhiệt độ để đánh giá chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Những thay đổi bất thường của các chỉ số này có thể báo hiệu các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn như nhiễm trùng, cao huyết áp hoặc các vấn đề về tim mạch.
Ngoài ra, bác sĩ cũng theo dõi thay đổi cân nặng để đánh giá hiệu quả của chế độ ăn uống và quá trình hồi phục của cơ thể sau sinh. Cân nặng tăng hoặc giảm quá nhanh có thể là dấu hiệu của các vấn đề về sức khỏe.

Kiểm tra vết rạch mổ
Đối với mẹ sinh thường, bác sĩ sẽ tập trung kiểm tra vết rạch tầng sinh môn xem vết khâu đã lành tốt chưa, có dấu hiệu viêm nhiễm như đỏ, sưng hay không. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra sự bất thường của sản dịch nếu có.
Đối với mẹ sinh mổ, bác sĩ sẽ quan sát màu sắc, kích thước của vết mổ, kiểm tra xem có dấu hiệu tấy đỏ, sưng hay chảy mủ không. Nếu có chỉ khâu, bác sĩ sẽ tiến hành cắt chỉ nếu cần thiết.
Siêu âm
Bên cạnh khám lâm sàng, siêu âm cũng là bước quan trọng trong quá trình tái khám sau sinh. Qua siêu âm, bác sĩ có thể quan sát rõ ràng tử cung, buồng trứng và các cơ quan lân cận. Điều này giúp đánh giá quá trình co hồi của tử cung, kiểm tra tình trạng buồng trứng và phát hiện các u nang hoặc khối u bất thường.

Đối với những mẹ sinh mổ, siêu âm giúp đánh giá quá trình lành thương của vết mổ, phát hiện các biến chứng như tụ dịch hay nhiễm trùng. Điều này không chỉ giúp phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe, mà còn giúp bác sĩ đưa ra lời khuyên phù hợp để mẹ có thể chăm sóc bản thân tốt hơn.
Xét nghiệm
Tùy thuộc tình trạng sức khỏe của mẹ, bác sĩ có thể chỉ định làm các xét nghiệm máu, nước tiểu... để đánh giá chức năng các cơ quan và phát hiện những bệnh lý tiềm ẩn. Việc phát hiện sớm các bệnh lý sẽ giúp điều trị hiệu quả và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm.
Tư vấn chăm sóc
Sau khi nắm rõ tình trạng sức khỏe hiện tại của mẹ, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên về chế độ ăn uống, sinh hoạt cũng như các biện pháp phòng ngừa bệnh lý thường gặp sau khi sinh nở.
Bên cạnh đi khám định kỳ, mẹ cũng cần: Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, ưu tiên các loại thực phẩm giàu chất sắt, canxi, vitamin để phục hồi sức khỏe và sản xuất sữa mẹ; ngủ đủ giấc, tránh làm việc quá sức; giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, thay băng vệ sinh thường xuyên…
Hãy chủ động đặt lịch khám và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Chăm sóc bản thân tốt cũng là cách để mẹ tận hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc làm mẹ.
Theo Marchofdimes.org
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |