

Viêm màng não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, thường xảy ra với đối tượng trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Tác nhân gây bệnh đó chính là vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis.
Vi khuẩn Nm (Neisseria meningitidis) có nơi cư trú tự nhiên chủ yếu là đường hô hấp trên của người. Trong trạng thái bình thường, Nm thường không gây bệnh, được gọi là tình trạng người mang mầm bệnh. Tuy nhiên, dưới tác động của nhiều yếu tố độc lực, Nm có thể chuyển sang trạng thái xâm lấn, gây ra bệnh lý nghiêm trọng được gọi là bệnh viêm màng não xâm lấn.
Bệnh thường xảy ra khi vi khuẩn vượt qua hàng rào niêm mạc hô hấp, đi vào máu và tiếp tục vượt qua hàng rào máu - màng não để vào xoang não tủy, dẫn đến hai thể bệnh nghiêm trọng là nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não.
Bệnh do Nm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, nguy hiểm, có khả năng gây dịch lớn với những diễn biến vô cùng phức tạp và khó lường. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 1,2 triệu ca mắc, trong đó khoảng 350.000 ca tử vong. Bệnh lý này đã từng gây ra hàng loạt đợt dịch lớn, đặc biệt ở châu Phi trong suốt thế kỷ 20, và vẫn đang là mối đe doạ nghiêm trọng đối với sức khoẻ cộng đồng hiện nay.

Năm 2021, WHO đã phát động Chiến dịch "Đánh bại viêm màng não vào năm 2030". Chiến dịch này hướng tới mục tiêu giảm tỉ lệ mắc và tử vong do bệnh này trước năm 2030. Để đạt được mục tiêu trên, WHO kêu gọi các quốc gia tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bệnh và tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia tiếp cận vắc xin một cách hiệu quả.
Đối với bệnh viêm não mô cầu, các nguyên tắc điều trị chính bao gồm: Phát hiện sớm, điều trị kịp thời, điều trị kháng sinh kèm điều trị theo triệu chứng và nâng cao thể trạng. Trong đó, kháng sinh được chỉ định sử dụng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, số lượng kháng sinh có thể dùng để điều trị bệnh do Nm rất hạn chế do phải thỏa mãn ngấm qua màng não.
Trong sinh hoạt, người dân chú ý các biện pháp phòng bệnh lây qua đường hô hấp như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, khử trùng… Tuy nhiên, các biện này chỉ là biện pháp hỗ trợ giảm nguy cơ lây nhiễm. Với những người tiếp xúc gần và nhóm nguy cơ cao cần điều trị dự phòng bằng kháng sinh theo chỉ định.
Để phòng bệnh, tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất, căn bản và lâu dài. Hiện nay đã có vắc xin phòng được 6 nhóm (A,B,C,Y,W và X) não mô cầu giúp bảo vệ chống lại các chủng vi khuẩn não mô cầu.
Vắc xin được khuyến cáo tiêm cho trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn có nguy cơ cao (như sống trong ký túc xá, người có bệnh lý làm suy giảm miễn dịch).
>> Đọc thêm: Phân biệt các loại vaccine não mô cầu B, BC, ACYW
Một số vắc xin phòng bệnh do Nm phổ biến hiện nay ở nước ta là: Vắc xin não mô cầu nhóm A, vắc xin não mô cầu nhóm C, vắc xin 4 trong 1, vắc xin 5 trong 1, vắc xin não mô cầu nhóm B, vắc xin MenB và vắc xin Mengoc BC. Trong đó, vắc xin VA-MENGOC-BC được ứng dụng rộng rãi và có bằng chứng hiệu quả cao trong việc phòng ngừa các nhóm huyết thanh gây bệnh phổ biến (B và C) tại Việt Nam.
Vắc xin được khuyến cáo tiêm vắc xin cho trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn có nguy cơ cao (như sống trong ký túc xá, người có bệnh lý làm suy giảm miễn dịch).
![]() Bài viết được chia sẻ bởi Thượng tá - ThS. BS Triệu Phi Long - Viện Y học Dự phòng Quân đội Nếu bạn đang công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và có câu chuyện muốn chia sẻ với Đi Cùng Con, xin vui lòng gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn sẽ giúp ích cho rất nhiều cha mẹ trên hành trình nuôi dạy con. |