
Theo hướng dẫn của WHO và Bộ Y tế, lịch tiêm vaccine sởi gồm 2 mũi vào 9 và 18 tháng tuổi. Vậy trẻ tiêm trễ hoặc gián đoạn lịch tiêm có gặp nguy cơ nào không?
An Chi
Sởi là gì và những đối tượng dễ mắc bệnh?
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính có khả năng lây truyền rất mạnh, đặc biệt ở lứa tuổi nhỏ. Tất cả người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh.
Với trẻ em, nhóm có nguy cơ mắc sởi gồm:
- Trẻ nhỏ (do không còn miễn dịch từ mẹ truyền sang, lại chưa được tiêm vaccine).
- Trẻ đã tiêm vaccine nhưng chưa có đáp ứng miễn dịch.
Trẻ em mắc sởi có thể đối mặt nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy, viêm loét miệng, viêm loét giác mạc và suy dinh dưỡng.
Vaccine và hiệu quả phòng bệnh
Các nhóm đối tượng nguy cơ cao cần được bảo vệ bằng vaccine sởi. Đây là biện pháp tốt nhất để chủ động phòng bệnh. Thông thường, sau khi tiêm 2-3 tuần, cơ thể sẽ tạo miễn dịch để phòng bệnh.
Cũng theo WHO, trường hợp đã đáp ứng miễn dịch với sởi sau tiêm vaccine hoặc sau mắc bệnh thì miễn dịch này sẽ bền vững suốt đời. Nếu trước sinh, mẹ đã tiêm chủng và đã mắc sởi thì hiệu quả miễn nhiễm cho con đến 9 tháng.

Tiêm vaccine sởi trễ, gián đoạn liệu có nguy hại?
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo cha mẹ cho con tiêm mũi 1 vaccine sởi khi trẻ được 9 tháng tuổi và tiêm mũi hai lúc trẻ 18 tháng tuổi (thuộc chương trình Tiêm chủng mở rộng không chờ đợi vaccine dịch vụ). Sau đó, phụ huynh có thể cho trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh rubella - quai bị ở những thời điểm phù hợp.
Việc tiêm vaccine sởi đúng lịch và đầy đủ là vô cùng quan trọng để tạo miễn dịch sớm, giúp trẻ không mắc bệnh. Nếu tiêm vaccine muộn, trẻ nhỏ có nguy cơ cao bị mắc bệnh sởi trước khi được tiêm chủng.
Trong trường hợp gián đoạn lịch tiêm chủng, tỷ lệ quần thể được bảo vệ sau tiêm mũi 1 chỉ đạt khoảng 85%, sau tiêm 2 mũi đạt khoảng 90-95%. Do đó, cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm đúng lịch và đủ mũi để bảo vệ con tối ưu.

Tác dụng phụ có thể xảy ra khi tiêm vaccine sởi
Vaccine sởi được đánh giá là an toàn. Các phản ứng sau tiêm thường nhẹ, biểu hiện như sốt (chiếm 5-15%), phát ban (5%), sưng, nóng, đỏ đau tại chỗ tiêm… Hầu hết tác dụng phụ sẽ hết trong khoảng 1-2 ngày mà không cần điều trị gì. Phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vaccine sởi là rất hiếm gặp, nhưng cũng có thể xảy ra.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tiêm chủng, cán bộ y tế cần theo dõi trẻ trong vòng 30 phút sau tiêm tại điểm tiêm. Các cơ sở y tế đều sẵn thuốc điều trị và biện pháp xử trí những phản ứng nghiêm trọng này. Các phản ứng quá mẫn này sẽ qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời tại cơ sở y tế.
Theo Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế
Nếu bạn đang công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và có câu chuyện muốn chia sẻ với Đi Cùng Con, xin vui lòng gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn sẽ giúp ích cho rất nhiều cha mẹ trên hành trình nuôi dạy con. |