

Viêm da cơ địa và dị ứng đạm bò là hai vấn đề da liễu thường gặp ở trẻ nhỏ. Mặc dù có một số biểu hiện ngoài da tương đồng, đây là hai bệnh lý hoàn toàn khác nhau và cần được phân biệt rõ ràng để có hướng xử lý phù hợp.
Viêm da cơ địa là bệnh lý mạn tính, thường xuất hiện ở trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh có đặc trưng là các tổn thương da khu trú ở một số vùng nhất định. Vị trí thường gặp của viêm da cơ địa là ở mặt (hai má, trán, cằm) và chân tay (các nếp gấp).
Triệu chứng của viêm da cơ địa bao gồm da đỏ, ngứa, tái phát nhiều lần. Ở giai đoạn nặng có thể xuất hiện các nốt phồng rộp, chảy nước. Nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách, viêm da cơ địa có thể dẫn đến nhiễm trùng da, thậm chí nhiễm trùng máu.
Viêm da cơ địa có các mức độ khác nhau:
- Độ 1: Chỉ đỏ da và ngứa.
- Độ 2: Xuất hiện mụn nước trên da, chảy nước. Từ độ 2 trở đi, da rất dễ bị nhiễm trùng).
- Độ 3: Da bị nhiễm trùng; biến chứng nặng là nhiễm trùng máu.

Khác với viêm da cơ địa, dị ứng đạm sữa bò có thể có triệu chứng nổi ban trên da. Đặc điểm nổi ban do dị ứng đạm sữa bò là có thể xuất hiện rồi biến mất nhanh chóng trong vòng 1-3 tiếng và có thể di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác trên cơ thể. Khi ban biến mất, da không để lại tổn thương.
Cần lưu ý quan trọng rằng nổi ban ở da có thể do nhiều nguyên nhân khác gây ra dị ứng, không chỉ riêng đạm sữa bò. Việc chẩn đoán đúng viêm da cơ địa hay dị ứng đạm sữa bò là rất quan trọng để có hướng xử lý đúng đắn.
Cha mẹ không nên tự ý kết luận con bị dị ứng đạm sữa bò chỉ dựa vào việc nổi ban thoáng qua. Cần lưu ý về sinh lý bình thường ở trẻ nhỏ, ví dụ chuyện đi tiêu: Trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ bú mẹ, có thể có tần suất đi tiêu không đều. Có trẻ 2-3 ngày mới đi tiêu một lần, nhưng cũng có trẻ đi tiêu 4-5 lần một ngày. Nếu trẻ vẫn phát triển bình thường, không quấy khóc, bú tốt thì đó là hiện tượng sinh lý bình thường, không phải là dấu hiệu của bệnh.
Lời khuyên cho cha mẹ là nếu có bất kỳ lo lắng nào về da của con, hãy đưa con đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn cụ thể. Không tự ý đổi sữa hoặc kiêng khem quá mức khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Hãy tìm hiểu kỹ về sinh lý bình thường của trẻ nhỏ để tránh hoang mang không cần thiết.
Bài viết được tham vấn bởi GS.TS Nguyễn Tiến Dũng GS danh dự Đại học Quốc tế California Hoa kỳ PCTTT Hội Hô hấp Nhi Việt nam - Thành viên Hội Hô hấp Nhi thế giới Giảng viên cao cấp ĐH Thăng Long Nguyên trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai |