
Mình - một mẹ bỉm sữa tương lai - xin chia sẻ những dấu hiệu "dở khóc dở cười" mà bản thân đã trải qua trong giai đoạn cuối thai kỳ và hành trình vượt cạn đầy cảm xúc, hy vọng sẽ mang đến tiếng cười cũng như chút ít kinh nghiệm cho các mẹ bầu khác.
Mẹ Thùy Anh
Tăng cảm giác muốn đi vệ sinh: Em bé di chuyển xuống vị trí thấp hơn trong khung xương chậu gây áp lực lên bàng quang nên mẹ bầu sẽ cảm thấy muốn đi vệ sinh thường xuyên hơn. Càng gần giờ sinh, tần suất đi vệ sinh của mình càng nhiều. Cảm giác "muốn đi mà không dám đi" vì sợ "tai nạn" luôn ám ảnh mọi lúc mọi nơi. Chồng còn ví von rằng mình có "siêu năng lực" đi vệ sinh, khiến mình vừa xấu hổ vừa buồn cười.

Dễ thở hơn: Càng gần thời điểm sinh nở, mình lại có cảm giác bụng "xẹp bớt" một chút và dễ thở hơn. Chồng nhanh tay tìm kiếm thông tin rồi bảo "em bé đã di chuyển xuống thấp hơn, tạo thêm không gian cho phổi của em", nhờ vậy mình có thể hít thở sâu mà không còn cảm giác tức ngực như trước.
Đau thắt vùng xương chậu: Gần ngày sinh, tử cung sẽ co bóp thường xuyên, gây ra những cơn đau thắt vùng xương chậu. Những cơn đau này có thể dai dẳng hoặc từng đợt và có thể lan xuống vùng bẹn hoặc đùi. Lúc này, mình cảm giác như ai đó đang bóp chặt bụng, đau vã mồ hôi, thậm chí ớn lạnh. Đôi lúc đau quá, mình còn gào lên, xong lại quay sang nổi cộc với chồng. Lúc ấy nhìn mặt lão chồng đúng buồn cười, cứ chiều theo thôi chứ nào dám “bật” vợ.
Cảm giác nặng nề và chậm chạp: Trải qua 9 tháng 10 ngày và gần đến thời điểm sinh nở, bụng của mình như quả bóng khổng lồ. Vác tận mấy kg trước bụng, mình di chuyển như rùa, thậm chí cứ phải nhích từng bước nhỏ, bấu víu vào vào mọi thứ xung quanh. Để giúp mình giảm căng thẳng, chồng cũng hay pha trò, kiểu mô tả dáng đi ì ạch của vợ, lúc ngồi xuống thì cứ phải banh chân ra vì sợ đau… Lắm lúc mình buồn cười đến độ lăn cả ra sàn. Nghĩ lại thì cũng vui vì mỗi khoảnh khắc thai kỳ đều có chồng ở bên, xoa dịu bớt cảm xúc tiêu cực.

Xuất hiện nhiều dịch tiết ở vùng kín: Khi cổ tử cung bắt đầu giãn nở và mỏng ra để chuẩn bị cho khoảnh khắc em bé chào đời, mình nhận thấy ra nhiều dịch tiết âm đạo hơn, có thể màu hồng, nâu hoặc trong suốt. Đây được gọi là "dịch nhầy nút cổ tử cung". Còn chồng thì hay trêu là “dòng sông bí ẩn” cứ tuôn trào, nghe có bực không cơ chứ!
Vỡ ối - dấu hiệu báo hiệu chuyển dạ chính thức: Thế rồi vào một buổi sáng đẹp trời, lúc mình đang lúi húi chuẩn bị bữa sáng thì bỗng… hai chân ướt đẫm. Hoá ra, nước ối đã vỡ. Chồng vội vàng đưa mình đến bệnh viện, trong lòng vừa lo lắng vừa hồi hộp. Vừa đến nơi, những cơn co thắt tử cung ập đến như lốc xoáy, khiến mình đau đớn tột cùng. Sau mấy tiếng vật vã, cuối cùng thiên thần nhỏ bé cũng chào đời. Khoảnh khắc nhìn thấy con, mọi mệt mỏi, đau đớn tan biến hoàn toàn, chỉ còn lại niềm hạnh phúc vô bờ bến. Lúc rặn đẻ, mình gào thét như một "siêu nhân", khiến các y tá và bác sĩ phì cười, chồng thì cứ rưng rưng.
Kể ra chuyện này chỉ mong các mẹ có thể yên tâm và thư giãn hơn trước khi đối mặt hành trình “vỡ chum”. Và các mẹ cũng cần lưu ý là mỗi người phụ nữ có thể trải qua những dấu hiệu chuyển dạ khác nhau. Do đó, điều quan trọng là bạn cần theo dõi cơ thể của mình và liên hệ với bác sĩ ngay khi nhận thấy dấu hiệu bất thường. Chúc tất cả mẹ bầu luôn khỏe mạnh và có thai kỳ suôn sẻ, an toàn!