
Bạn không cần phải là “người chơi chuyên nghiệp”, càng không cần chuẩn bị cầu kỳ mới có thể tạo ra khoảng thời gian chất lượng bên con. Chỉ cần 10–15 phút mỗi ngày,bố mẹ hoàn toàn có thể vừa kết nối, vừa giúp con phát triển những kỹ năng đầu đời.
Bạn đã bao giờ trải qua một ngày dài quay cuồng với đủ thứ việc, chỉ mong con có thể tự chơi yên ả một lúc… nhưng rồi lại chạnh lòng khi thấy đôi tay bé xíu tíu tít hướng về phía mình, xin một sự chú ý?
Là cha mẹ, ai cũng có lúc mệt. Nhưng chỉ cần 10–15 phút mỗi ngày, mẹ hoàn toàn có thể kết nối với con qua những trò chơi đơn giản – vừa nhẹ nhàng, vừa giúp vun đắp tình cảm và tạo nền tảng phát triển cho con đấy.
Để mình gợi ý cho mẹ vài trò chơi dễ thực hiện nhé!
Gợi ý 7 trò chơi đơn giản tại nhà
1. Trốn – Tìm (Ú - Oà)
Trò chơi không mới nhưng chưa bao giờ hết “hot”. Làm gì có em bé nào không từng thích mê cái cảm giác được nhìn thấy mẹ bất ngờ hiện ra sau cánh tủ hay tấm chăn với tiếng gọi vui nhộn “Ú oà!” mẹ nhỉ?

- Cách chơi: Mẹ có thể nấp sau tủ, rèm, ghế, chăn… bất cứ đâu có thể che mặt hoặc cả người. Sau đó bất ngờ hiện ra với giọng nói vui vẻ, nét mặt hào hứng để tạo sự bất ngờ cho con.
- Lợi ích: Giúp con phát triển khái niệm “vật vẫn tồn tại dù không nhìn thấy” (object permanence), tăng khả năng tương tác qua ánh mắt, biểu cảm, giọng nói. Trò chơi này còn giúp bé rèn luyện tính kiên nhẫn (khi chờ mẹ xuất hiện) và phản ứng linh hoạt nữa đấy!
Mình hay tranh thủ chơi Ú - Oà với con mỗi khi dọn dẹp. Vừa cất đồ, vừa nấp sau cánh tủ rồi bất ngờ “oà” ra khiến con cười khanh khách. Vui chơi một lúc rồi con tự thấm mệt và ngoan ngoãn ngồi tự chơi để mẹ hoàn tất công việc còn dang dở.
2. Tương tác trước gương
Ngoài Ú - Oà, “tương tác trước gương” cũng là một “trò tủ” mình thường dùng mỗi khi Vừng quấy đòi mẹ hay khóc hờn mà chẳng rõ lý do.

- Cách chơi: Mẹ và con cùng soi gương, tạo các biểu cảm ngộ nghĩnh: vui, buồn, tức giận… Có thể thổi phù má, chỉ vào mắt – mũi – miệng rồi gọi tên từng bộ phận. Không cần chuẩn bị gì cầu kỳ, chỉ cần một chiếc gương nhỏ và một chút dí dỏm là đủ.
- Lợi ích: Giúp bé nhận biết cảm xúc qua khuôn mặt, rèn khả năng bắt chước, điều khiển cơ mặt và hình thành giao tiếp phi ngôn ngữ. Đồng thời tạo cảm giác gần gũi, an toàn cho bé.
Dễ chơi, dễ cười cùng dụng cụ dễ kiếm. Mỗi ngày tương tác cùng con một chút như vậy cũng đủ để bé yên tâm và chịu rời mẹ ra một chút đấy.
3. Thì thầm – Thầm thì
Một trò đơn giản nhưng đầy gắn kết: chỉ cần mẹ và con thật gần nhau.

- Cách chơi: Bế con mặt đối mặt, cụng đầu nhẹ, thì thầm những lời yêu thương, kể cho con nghe vài mẩu chuyện nho nhỏ, hoặc đơn giản chỉ là nhìn con với nét mặt thật hài hước: chu môi, nháy mắt, lè lưỡi…
- Lợi ích: Kích thích khả năng giao tiếp, phát triển ngôn ngữ qua ngữ điệu – biểu cảm và củng cố sự kết nối cảm xúc giữa hai mẹ con.
Có những lúc mệt mỏi chỉ cần ôm con vào lòng, thì thầm “mẹ yêu con” là đủ để con bật cười khoái chí, đưa tay đập đập lên người mẹ như muốn đáp lời. Những khoảnh khắc đơn sơ vậy thôi mà ấm lòng cả ngày dài.
4. Khăn bay kỳ diệu
Chẳng cần đồ chơi cầu kỳ, chỉ một chiếc khăn xô sạch cũng có thể mang đến niềm vui bất ngờ.

- Cách chơi: Dùng khăn mỏng thả nhẹ lên mặt, người, tay con; kết hợp trò ú òa hoặc thổi cho khăn bay bay. Mẹ có thể thay đổi nhịp độ – nhanh, chậm – để tăng sự hứng thú.
- Lợi ích: Giúp con làm quen với cảm giác trên da, tăng khả năng tập trung – phán đoán chuyển động, và khiến những lúc thay đồ, lau mặt trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ hơn.
Vừng từng rất hay cáu gắt mỗi khi mẹ lau mặt hay thay đồ. Vậy mà chỉ cần “chiếc khăn kỳ diệu” xuất hiện, em lập tức bật cười, giãy giụa cũng hóa thành quẫy đạp thích thú!
5. Chiếc hộp âm thanh
Từ khoảng 6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu có hứng thú rõ rệt với âm thanh xung quanh và dần học cách phân biệt – phản ứng với các loại tiếng động. Đây cũng là giai đoạn lý tưởng để mẹ cùng con khám phá thế giới âm thanh đơn giản tại nhà, mỗi ngày chỉ vài phút thôi mẹ nhé!
- Cách chơi: Mẹ chuẩn bị một chiếc hộp nhỏ, cho vào đó các vật có thể phát ra âm thanh như: Hộp sữa rỗng đựng hạt khô; Chuông tay nhỏ; Muỗng gõ vào bát nhựa, gỗ,… Đưa từng món cho con lắc, gõ, chạm vào – và cùng nhau lắng nghe.
- Lợi ích: Trò chơi này giúp con phát triển khả năng lắng nghe – phản hồi âm thanh, nâng cao nhận thức về nguyên nhân – kết quả (con lắc → phát ra tiếng), kích thích vận động tinh và sự tò mò.
Mỗi ngày, mình và Vừng thường gõ lên các vật dụng xung quanh để tạo âm thanh – có khi là cái thìa, lúc lại là hộp khăn ướt. Con trộm vía phản ứng rất nhanh nhạy, thậm chí còn nhún nhảy khoái chí mỗi khi nghe âm thanh vui tai mẹ tạo ra. Những khoảnh khắc ấy tuy nhỏ thôi nhưng lại giúp con học được rất nhiều điều từ chính niềm vui chơi cùng mẹ.
6. Đập – thả – gõ
Những trò chơi đơn giản như đập tay vào trống nhựa, thả bóng vào rổ, hay gõ thìa lên bát nhựa tưởng chừng chẳng có gì to tát, lại là cách tuyệt vời để giúp con phát triển các kỹ năng vận động nền tảng.

- Cách chơi: Chuẩn bị một vài món đồ an toàn như trống đồ chơi, khay nhựa, bàn phím cũ không dùng nữa, quả bóng nhựa lớn, thìa – ly nhựa Cho bé dùng tay đập nhẹ, gõ, thả và quan sát phản ứng của đồ vật.
- Lợi ích: Giúp phát triển cơ bàn tay và ngón tay, tăng khả năng điều khiển lực đập – gõ, hình thành kĩ năng phối hợp tay – mắt khi bé xác định vị trí để thả hay gõ.
- Lưu ý: Luôn có người lớn giám sát khi chơi; tránh các vật nhỏ có thể gây nguy cơ hóc, nuốt.
Mình và Vừng thường chơi trò này khi ở trên giường hoặc sàn có lót thảm – vừa an toàn, vừa dễ dọn. Có lúc chỉ là cái thìa gõ vào gối, có lúc là thả bóng từ tay mẹ vào lòng bàn tay con… Trò chơi đơn giản nhưng con rất thích đấy ạ!
7. Sách vải – Sách cảm giác
Dù con chưa thể “đọc” như người lớn, nhưng tiếp xúc sớm với sách là một cách tuyệt vời để giúp con kích thích giác quan, gắn kết tình cảm và hình thành niềm yêu thích sách từ sớm.

- Cách chơi: Dùng sách vải, sách cảm giác hoặc sách gặm an toàn để đọc cùng con lật từng trang và chỉ vào tranh, gọi tên sự vật, khuyến khích con sờ, cào, gặm, vỗ nhẹ lên trang sách (mẹ có thể sáng tạo câu chuyện ngắn từ tranh vẽ thay vì đọc đúng từng chữ).
- Lợi ích: Kích thích xúc giác, thị giác và thính giác; phát triển ngôn ngữ và sự chú ý; tạo thói quen “đọc sách cùng mẹ” như một hoạt động yêu thương và quen thuộc.
Vì kiên trì cho con làm quen với tranh và sách từ hồi còn nhỏ xíu nên em bé Vừng trộm vía rất thích đọc sách cùng mẹ. Tuy mới hơn 9 tháng nhưng em rất thích được tự lật giở trang sách và đã biết chọn sách đòi mẹ đọc.
Mỗi ngày chỉ cần mẹ cùng con khám phá 10-15’ thôi cũng đủ để tạo cho con thói quen tốt hàng ngày rồi đấy.
Chơi với con không cần dài – chỉ cần đều đặn và đầy yêu thương. Chỉ 10–15 phút mỗi ngày, những trò chơi nhỏ bé ấy không chỉ giúp con phát triển trí tuệ, vận động, cảm xúc mà còn dần dệt nên một mối liên kết bền chặt giữa mẹ và con.
Thời gian trôi nhanh, nhưng ký ức thì có thể được giữ lại – qua một cái ôm, một tiếng cười, hay đơn giản là một tấm ảnh mẹ chụp vội khoảnh khắc con chơi say sưa… Nếu có thể, mẹ hãy ghi lại vài dòng cảm nhận mỗi ngày, để mai này đọc lại và mỉm cười với hành trình mình đã đi cùng con.
Quan trọng hơn cả: hãy hiện diện bên con bằng cả ánh mắt, giọng nói và trái tim.
Vì những phút giây tưởng chừng bình dị hôm nay, chính là ký ức quý giá nhất mà con sẽ mang theo suốt đời.
![]() Yêu viết lách, yêu sách và tin rằng những điều bình thường giản dị nhất lại có thể chạm tới tim người khác sâu sắc nhất. Hiện đang cộng tác nội dung cùng Đi Cùng Con và xây dựng blog cá nhân tại: Nhem's Little Box Gửi tới bạn mọi điều tốt lành nhất. |
Bình luận