
Trẻ mọc răng thường cảm thấy khó chịu vì đau đớn, quấy khóc, đôi khi kèm theo sốt. Mẹ cần đồng hành cùng bé vượt qua giai đoạn “khủng hoảng” này.
Giang Tú
Mỗi em bé được sinh ra với 20 chiếc răng ẩn dưới nướu. Trước khi bố mẹ kịp nhận ra, bé đã bắt đầu có hiện tượng thường xuyên chảy dãi - một trong những dấu hiệu của mọc răng.
Răng đầu tiên của trẻ thường xuất hiện trong khoảng 6 tháng đến 1 tuổi. Khi trẻ bắt đầu mọc răng là khởi đầu của giai đoạn nhiều thách thức. Tuy nhiên, có một số mẹo giúp quá trình mọc răng của trẻ dễ chịu hơn.
Dấu hiệu mọc răng của trẻ
Từ khoảng 6 tháng (thời gian có thể thay đổi), bạn có thể bắt đầu nhận thấy những triệu chứng sau đây của việc mọc răng ở trẻ:
- Nướu đau hoặc nhức
- Chảy dãi
- Trẻ dễ cáu kỉnh
- Sốt nhẹ khoảng 37,2 độ C
- Nghiến lợi
- Tiêu chảy
- Nổi vết chàm nước quanh miệng
Nếu bé sốt cao hơn 38 độ C và đi ngoài nhiều lần trong ngày, bạn nên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa.
Thông thường, răng đầu tiên của trẻ là một trong các răng cửa dưới. Bạn hãy kiểm tra nướu của con để xem có bất kỳ nốt sưng nào không. Đây là dấu hiệu răng bắt đầu mọc. Quá trình mọc răng có thể chậm hoặc nhanh ở một số trẻ. Trẻ sơ sinh có thể xuất hiện triệu chứng trước khi mọc răng một vài tháng.

Có một số cách để làm dịu đau nhức nướu khi mọc răng, đơn cử như massage, chườm lạnh hoặc cho trẻ nhai một thứ gì đó an toàn.
1/ Massage nướu
Tác động lực nhẹ nhàng lên nướu của trẻ có thể giúp giảm đau.
Cách làm: Sau khi rửa sạch tay, bố mẹ đặt trẻ nằm lên giường và massage nhẹ nhàng nướu của bé bằng ngón tay. Cách này có thể giúp bé thư giãn và đi vào giấc ngủ. Bạn cũng có thể thử massage nướu lại nếu bé tỉnh giấc vào giữa đêm.
2/ Cho trẻ nhai một chiếc khăn ướt lạnh
Bố mẹ chuẩn bị một chiếc khăn sạch và ngâm trong nước. Sau đó, vắt khăn ráo nước. Đặt khăn vào ngăn lạnh hoặc tủ đá để làm lạnh.
Sau khi khăn đã lạnh, bạn gấp lại và đưa cho bé nhai. Lưu ý, bố mẹ không nên để trẻ ở một mình khi đang nhai bất kỳ thứ gì, vì điều này có thể gây nguy hiểm nếu trẻ nuốt hoặc hóc.
3/ Đặt núm ti giả hoặc đồ gặm nướu vào tủ lạnh
Nếu trẻ vẫn sử dụng núm ti giả, bạn có thể tận dụng nó để làm dịu nướu bé. Cần đảm bảo núm ti đã được làm sạch, sau đó cất vào hộp và cho vào tủ lạnh. Nhiệt độ thấp có thể giúp gây tê nướu và giảm cơn đau.
Bố mẹ có thể làm tương tự với đồ gặm nướu. Không nên áp dụng với đồ chơi chứa chất lỏng hoặc gel bởi quá trình làm lạnh và gặm nhai có thể gây rò rỉ.
4/ Làm kem sữa đông
Một số trẻ sẽ bỏ ăn trong giai đoạn mọc răng. Điều này xuất phát từ tâm lý không thoải mái.
Nếu có thể, mẹ hãy làm đông sữa mẹ hoặc sữa công thức trong khuôn làm kem không chứa BPA. Những viên kem này có thể sẽ khá “nhoe nhoét” khi tan ra, vì vậy mẹ hãy chuẩn bị một chiếc áo ăn dặm cho bé. Bố mẹ cũng nên cho bé ăn trong tư thế ngồi (trên ghế ăn dặm).
5/ Lau sạch nước dãi
Giai đoạn này, trẻ thường có thói quen chảy nước dãi và làm ướt quần áo. Vì thế, việc trang bị cho trẻ một chiếc yếm khi mọc răng rất hữu ích.
Bạn nên ưu tiên làm sạch nước dãi trên mặt trẻ để ngăn chặn vùng da quanh miệng bị kích ứng. Giữ da mặt trẻ luôn khô ráo cũng giúp tránh tình trạng mẩn đỏ.
6/ Cho trẻ ăn một số trái cây mát
Nếu bé đã làm quen với thức ăn rắn, ba mẹ có thể thử làm lạnh một số loại trái cây để bé gặm, nhằm làm dịu nướu đang sưng tấy. Chuối lạnh là một lựa chọn tuyệt vời. Bạn cũng có thể thử làm lạnh các loại trái cây khác rồi bỏ vào túi ăn dặm cho bé gặm mút. Túi ăn dặm sẽ tránh nguy cơ hóc nghẹn cho trẻ.
Một số loại trái cây khác có thể thử làm lạnh là táo, lê hoặc dâu tây. Hãy luôn quan sát và đảm bảo rằng bé đã đủ tuổi để thử những loại thức ăn này.
7/ Ôm ấp trẻ nhiều hơn
Đôi khi, cách tốt nhất để giúp trẻ thoải mái hơn là dành thời gian ôm ấp vỗ về bé. Bạn có thể ôm trẻ trên ghế hoặc bế đi xung quanh nhà. Thời gian ôm gia tăng sẽ giúp cả 2 mẹ con cảm nhận sự thoải mái.
Nếu bạn cho con bú, đừng ngần ngại cho trẻ bú thêm một vài cữ để bé cảm thấy được an ủi. Điều quan trọng là mẹ cần tạo ra một môi trường yên tĩnh để bé có thể thư giãn và ngủ nghỉ.
8/ Kết hợp thuốc giảm đau
Khi cần thiết, bố mẹ có thể thảo luận với bác sĩ về việc sử dụng thuốc giảm đau không cần kê đơn. Những loại thuốc này giúp bé giảm đau và dễ dàng đi vào giấc ngủ. Bác sĩ nhi sẽ hướng dẫn bạn về liều lượng và loại thuốc phù hợp nhất cho trẻ.
Nên tránh sử dụng gel hoặc viên giảm đau mọc răng chứa lidocaine hoặc benzocaine. Chúng có thể gây hại và làm tê miệng bé, gây khó khăn khi nuốt.
Theo Pediatric Dentistry