
Chúng ta biết rằng trẻ em cần tiếp xúc nhiều với các đoạn hội thoại để phát triển khả năng ngôn ngữ, nhưng quá trình đó nên đến từ nguồn nào?
Tú Hạnh
Chúng ta biết rằng từ những ngày đầu ra đời, trẻ sơ sinh có thể học được từ việc người lớn nói chuyện hay hát, từ đó xây dựng kỹ năng ngôn ngữ. Tuy nhiên, nhịp sống hiện đại bận rộn khiến một số bậc cha mẹ tự hỏi liệu TV hoăc các màn thiết bị điện tử khác có phải là lựa chọn an toàn trong việc tăng khả năng nghe của trẻ sơ sinh không. Dưới đây là ý kiến của một số chuyên gia.
Âm thanh nền từ TV có thể ảnh hưởng đến việc trẻ học ngôn ngữ
Hội đồng Y khoa Mỹ (AAP) khuyến nghị trẻ em dưới 2 tuổi không nên xem bất kỳ chương trình truyền hình nào. Nhưng thực tế, nhiều cha mẹ không thể phủ nhận sự cám dỗ khi bật TV để những nhân vật hoạt hình đáng yêu dạy con bảng chữ cái, trong khi bản thân cố gắng hoàn thành một số công việc. Mặc dù nhiều phụ huynh ý thức được việc xem TV là không tốt, nhưng hầu hết họ không nhận ra được những tác động tiêu cực mà TV có thể gây ra cho trẻ nhỏ, đặc biệt các âm thanh nền từ TV.
Có một sự thật là trẻ sơ sinh sẽ bắt đầu phát ra các nguyên âm ngay từ khi mới 2 tháng tuổi, và đến khi 4 tháng tuổi, một số trẻ bước vào giai đoạn ê a. Não bộ của trẻ sơ sinh hoạt động khá mạnh mẽ (và bận rộn) hấp thụ tất cả ngôn ngữ xung quanh khi bé cố gắng phát ra những âm thanh đầu tiên đó. Vì vậy, bất kỳ ngôn ngữ nào mà trẻ nghe được đều sẽ đi vào kho kiến thức trong não bộ, giúp bé hình thành những từ ngữ đầu tiên.
Tuy nhiên, không phải tất cả ngôn ngữ đều có chất lượng tương đương nhau. Âm thanh nền có thể gây ra nhiều sự phân tâm hơn là hữu ích, vì vậy việc để TV bật thường xuyên có thể ảnh hưởng xấu đến kỹ năng ngôn ngữ đang phát triển của trẻ.
Việc để tiếng TV trở thành âm thanh nền đã được chứng minh làm giảm khả năng học ngôn ngữ ở trẻ, bởi trẻ sơ sinh khó phân biệt giữa các âm thanh, tiếng ồn từ TV và tiếng trò chuyện từ người lớn.

Trong một nghiên cứu với nhóm trẻ ở các độ tuổi 2, 3, 5 và 6, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trẻ 2 tuổi tiếp xúc với tiếng ồn từ TV khi đang ăn có thể gặp sự suy giảm đáng kể về chỉ số IQ ngôn ngữ khi đến tuổi mẫu giáo.
Một nghiên cứu của APA cho thấy trẻ em Mỹ trung bình tiếp xúc với 232,2 phút tiếng ồn từ TV mỗi ngày. Nghiên cứu cũng chỉ rõ nhóm trẻ tiếp xúc nhiều nhất với tiếng ồn từ TV là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ - những đối tượng dễ bị ảnh hưởng tiêu cực nhất.
Trẻ cần được giao tiếp trực tiếp
Vậy, sự khác biệt giữa những âm thanh phát ra từ TV và một cuộc trò chuyện trực tiếp là gì? Thực ra, có khá nhiều điểm khác biệt.
Khi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tham gia vào các cuộc trò chuyện và tương tác với cha mẹ dưới dạng câu hỏi và nhận xét, trẻ sẽ ở trạng thái tập trung suy nghĩ, và não bộ của trẻ cố gắng học hỏi thêm về cách giao tiếp. Giao tiếp giữa 2 người đòi hỏi phải chú ý và nhận biết những dấu hiệu như cử chỉ cơ thể, giọng nói, biểu cảm khuôn mặt và nhiều hơn nữa. Trong khi đó, việc nghe âm thanh một chiều từ TV là hoạt động bị động và không cần nhiều sự chú ý.
Ví dụ, khi bạn nói với trẻ "Mẹ yêu con" và chỉ vào chính mình khi nói "mẹ" và sau đó chỉ vào trẻ khi nói "con", bạn đang giúp trẻ hiểu rằng những từ đó có ý nghĩa cụ thể. Trong khi nếu trẻ nghe "Mẹ yêu con" từ TV, câu nói đó sẽ không có nhiều ý nghĩa.
Từ những phân tích trên, bố mẹ hãy cân nhắc mỗi khi có ý định bật TV cho trẻ.
Theo Parents