
Sau sinh, để tử cung hồi phục, mẹ nào cũng phải trải qua giai đoạn đẩy sản dịch.
Mẹ Cami
Ra sản dịch là điều bình thường ở phụ nữ sau sinh (kể cả mẹ sinh thường hay sinh mổ). Quá trình ra sản dịch kéo dài 2-6 tuần. Trong những ngày đầu, sản dịch màu đỏ tươi, sau đó, màu máu nhạt dần, màu hồng nhạt. Bản thân mình sinh mổ chủ động, tử cung lâu hồi phục hơn các mẹ sinh thường do không có quá trình chuyển dạ. Mình ra sản dịch khoảng 25 ngày, 2 ngày đầu ra rất nhiều. Sau đó thì chỉ ra ít như những ngày cuối kỳ kinh. Tuy nhiên, việc phải đóng băng vệ sinh gần 1 tháng cũng khá khó chịu. Dưới đây là một số mẹo mình áp dụng để đẩy sản dịch ra nhanh hơn.
Vệ sinh sạch sẽ vùng kín
Sau khi sinh, tử cung tiếp tục co bóp đẩy sản dịch ra ngoài. Lúc này, vi khuẩn bên ngoài dễ xâm nhập vào tử cung qua đường sinh dục, tử cung lúc này trở thành môi trường thuận lợi để gây nhiễm trùng âm đạo. Việc vệ sinh vùng kín sau sinh lúc này rất quan trọng. Mẹ nên thay băng vệ sinh 3 giờ/lần, mỗi lần thay cần vệ sinh vùng kín bằng nước ấm, sau đó thì lau khô, có thể dùng khăn vải xô lau rồi giặt lại sạch sẽ. Bác sĩ khuyên mình có thể vệ sinh bằng dung dịch sát khuẩn betadine pha loãng.
Xông hơi vùng kín
Hiện nay, bên cạnh dịch vụ tắm bé luôn đi kèm với các dịch vụ chăm sóc mẹ. Hồi mới sinh, mình có đăng ký thêm dịch vụ chăm sóc cho mẹ, có dịch vụ xông hơi vùng kín bằng lá trầu không. Ngoài ra, còn có một số biện pháp massge cơ bản, ấn huyệt bụng để mẹ vừa thư giãn, vừa đẩy sản dịch nhanh.
Cho con bú thường xuyên
Việc cho bé bú thường xuyên sẽ giúp tử cung mẹ co bóp, đẩy sản dịch ra nhanh hơn. Đặc biệt, điều này còn giúp gắn chặt tình cảm mẹ con. Mẹ đừng lo bé bú mẹ nhiều con sẽ bám mẹ, hãy để con được tận hưởng nguồn dinh dưỡng trọn vẹn nhất.
Ăn các thực phẩm giúp đẩy sản dịch nhanh
Mình được mẹ chăm sóc, động viên ăn các món như rau ngót, ngải cứu, thịt kho nghệ… Bí quyết đặc biệt của mình là ngày nào mình cũng ăn và uống nước rau ngót. Thật sự khuyên các mẹ nên kiên trì 1 tháng thôi là sẽ thấy kết quả. Đây là những món lành tính, lại có tác dụng đẩy sản dịch tốt. Ngoài ra, bữa phụ mẹ có thể ăn thêm dứa, giúp phục hồi vết thương nhanh.

Tránh nịt bụng quá chặt
Mẹ lưu ý không nên nịt bụng quá chặt, sẽ làm cản trở hồi phục thành bụng, cản trở cơ quan sinh sản trở về vị trí ban đầu. Khi vị trí của cơ quan sinh sản thay đổi, thì sản dịch sẽ không được thoát hết ra ngoài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ.
Bản thân mình áp dụng một số biện pháp trên thấy khá hiệu quả, không bị viêm nhiễm, cơ thể cũng hồi phục nhanh chóng. Hi vọng sẽ có thêm kiến thức hữu ích để các mẹ trải qua những “chông gai” đầu tiên sau sinh.
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |
Bình luận