
Nhiều mẹ sau sinh hay nghe bác sĩ hoặc người lớn dặn: “Ráng kiêng cữ tốt trong thời kỳ hậu sản”. Tuy nhiên, không nhiều mẹ hiểu rõ “hậu sản” là gì, kéo dài bao lâu và cần kiêng cữ gì?
Mẹ Bao Bao

Cơ thể mẹ thay đổi thế nào giai đoạn hậu sản?
Tử cung co hồi, sản dịch bị đào thải
Ngay sau khi sinh, tử cung bắt đầu co lại về kích thước ban đầu - từ kích cỡ quả dưa hấu xuống còn quả lê. Quá trình này diễn ra trong vòng vài tuần và thường kèm theo hiện tượng ra sản dịch - dịch tiết từ tử cung, gồm máu, mô và chất nhầy.
Trung bình quá trình ra sản dịch kéo dài 2-4 tuần, nhưng có thể đến 6 tuần. Những ngày đầu, sản dịch màu đỏ tươi, gần giống máu kinh; sau đó chuyển dần sang màu hồng, rồi nâu, rồi vàng nhạt hoặc trắng. Nếu sản dịch có mùi hôi, ra máu cục lớn hoặc kéo dài quá 6 tuần, mẹ cần đi khám để loại trừ các biến chứng như nhiễm trùng nội mạc tử cung hoặc sót nhau thai.
Theo ACOG (American College of Obstetricians and Gynecologists, 2018), theo dõi quá trình co hồi tử cung và tình trạng sản dịch là yếu tố quan trọng trong chăm sóc hậu sản, đặc biệt để phòng ngừa nhiễm trùng hoặc các biến chứng tiềm ẩn.
Nội tiết tố biến động mạnh
Sau sinh, hormone estrogen và progesterone - vốn tăng cao trong thai kỳ, sẽ giảm đột ngột, khiến mẹ dễ cảm thấy buồn bã, xúc động, thậm chí khóc không rõ lý do. Đây được gọi là hiện tượng “baby blues”, thường tự hết sau 1-2 tuần.
Tuy nhiên, nếu triệu chứng buồn rầu, lo lắng, mất ngủ hoặc cảm giác vô dụng kéo dài hơn 2 tuần, có thể mẹ đang rơi vào trầm cảm sau sinh, cần được can thiệp y tế sớm.
Sữa mẹ bắt đầu tiết ra
Sự thay đổi hormone sau sinh cũng kích hoạt tuyến vú hoạt động. Hormone prolactin - được tiết ra từ tuyến yên, sẽ thúc đẩy quá trình tạo sữa, trong khi oxytocin giúp đẩy sữa ra khi bé bú. Sữa non thường xuất hiện trong 1-2 ngày đầu (vàng, sánh, giàu kháng thể); sau 3-5 ngày, sữa trưởng thành sẽ về nhiều hơn.
Tuy nhiên, không phải mẹ nào cũng dễ dàng “gọi sữa về”. Một số người có thể gặp tình trạng tắc tia sữa, căng tức ngực hoặc sữa về muộn. Việc cho bé bú sớm trong giờ đầu sau sinh, giữ tinh thần thoải mái, nghỉ ngơi đầy đủ và uống đủ nước có thể giúp cải thiện lượng sữa.
Dấu hiệu bất thường không nên bỏ qua
Không phải sinh xong là xong việc. Trên thực tế, phần lớn biến chứng nguy hiểm xảy ra trong chính giai đoạn hậu sản.
- Sốt, đau bụng dưới, sản dịch có mùi hôi: Có thể là nhiễm trùng tử cung, viêm nội mạc tử cung… cần bác sĩ thăm khám kỹ lưỡng.
- Chảy máu kéo dài hoặc băng huyết muộn: Là hiện tượng chảy máu nhiều từ ngày thứ 4 sau sinh trở đi, có thể do tử cung co hồi kém hoặc sót nhau.
- Mất ngủ, chán ăn, lo âu, không thiết tha chăm con: Dấu hiệu trầm cảm sau sinh, cần hỗ trợ y tế sớm.
Cần làm gì để có kỳ hậu sản khỏe mạnh?
- Khám hậu sản sau 4-6 tuần: Không nên bỏ qua lịch thăm khám, vì đây là cơ hội để bác sĩ kiểm tra tử cung, vết thương sinh mổ hoặc tầng sinh môn, lượng sữa mẹ và cả sức khỏe tâm lý sau sinh.
- Ăn uống đầy đủ, đừng vội giảm cân: Mẹ cần nhiều năng lượng, sắt, canxi, vitamin để phục hồi và nuôi con bằng sữa mẹ.
- Chia sẻ với chồng và người thân: Tinh thần vui vẻ, được hỗ trợ tâm lý sẽ giúp mẹ tránh kiệt sức, trầm cảm và cảm giác cô đơn sau sinh.
Sau sinh, nhiều mẹ thường có tâm lý muốn dành trọn tâm trí để chăm sóc thiên thần nhỏ và đôi lúc quên đi cơ thể cũng cần được chăm sóc kỹ lưỡng. Việc chăm sóc tốt trong 6 tuần này không chỉ giúp mẹ khỏe mạnh, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho hành trình nuôi con sắp tới. Vậy nên mẹ đừng quá “bỏ bê” bản thân trong những tuần đầu sau sinh nhé!
Bình luận