
Phương Linh

Dùng nước xịt muỗi: Một trong những cách phòng tránh muỗi đốt hữu hiệu là sử dụng thuốc, nước xịt muỗi. Hiện nay, nhiều loại hóa chất xịt muỗi có mùi khó chịu và gây ảnh hưởng sức khỏe, do đó mọi người có thể sử dụng các loại xịt muỗi chiết xuất từ thiên nhiên với mùi hương dễ chịu cho trẻ như dầu bạc hà, khuynh diệp, chanh...

Mắc màn khi ngủ: Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM, muỗi thường hoạt động đốt máu người suốt đêm, nhiều nhất trong khoảng thời gian từ 22h đến 3h sáng. Do đó, mắc màn khi đi ngủ là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa muỗi, đặc biệt khi thời tiết nồm ẩm hoặc giai đoạn mùa hè. Ngoài ra, mọi người có thể bật đèn ngủ để ức chế hoạt động của muỗi vào buổi đêm, hoặc đóng cửa sổ.

Tiêm phòng vắc-xin viêm não Nhật Bản: Trẻ em từ 36 tháng tuổi trở xuống tiêm liều 0,5 ml gồm 3 mũi với lộ trình: Tiêm mũi 1, sau 2 tuần tiêm mũi 2, sau 1 năm tiêm mũi 3. Trẻ em trên 36 tháng tuổi tiêm liều 1 ml, lịch tương tự. Sau 3 năm nên tiêm nhắc lại viêm não Nhật Bản để duy trì khả năng miễn dịch.

Loại bỏ ao tù nước đọng: Nước là môi trường lý tưởng cho muỗi sinh sôi. Đó là lý do muỗi thường hoạt động mạnh trong thời tiết nồm ẩm. Vì vậy, việc cần làm để tránh muỗi sinh sôi là loại bỏ các ao tù nước đọng ở xung quanh nhà, đậy kín các lu, bình nước và diệt bọ gậy. Những gia đình làm chăn nuôi cần xây dựng các chuồng trại và khu vực canh tác xa căn hộ sinh sống bởi môi trường chăn nuôi thường có nhiều vũng nước, kênh mương.

Sử dụng dầu gió: Dầu gió là vật dụng chống muỗi hiệu quả. Bạn có thể đặt các chai dầu gió ở góc phòng để mùi hương lan tỏa trong không khí. Ngoài ra, mẹ có thể bôi dầu gió lên các vật dụng như màn, quần áo của trẻ, giúp việc xua đuổi muỗi trở nên hiệu quả. Lưu ý, cha mẹ không nên bôi quá nhiều dầu gió lên quần áo của trẻ vì dễ khiến bé bị cay mắt.