

Viêm họng và viêm amidan có những biểu hiện gần giống nhau. Cha mẹ cần phân biệt để có hướng điều trị hiệu quả cho trẻ.
Nhận diện viêm họng, viêm amidan
Viêm họng là tình trạng phù nề xung huyết và xuất tiết ở họng, gồm họng mũi, họng, miệng và hạ họng. Viêm họng do nhiều nguyên nhân: Virus, vi khuẩn, nấm, dị ứng… Trong đó, nguyên nhân do virus là hay gặp nhất, thường gọi là viêm họng đỏ.
Biểu hiện của viêm họng đỏ:
- Ho, chảy nước mũi.
- Khàn giọng, âm thanh của giọng nói thay đổi.
- Trẻ có thể sốt cao thành cơn tăng dần. Ngoài cơn sốt, trẻ vẫn vui chơi bình thường. Một số người cũng có thể bị viêm kết mạc hoặc các triệu chứng đau mắt đỏ.
- Hầu hết triệu chứng của mọi người giảm dần trong vòng 1 hoặc 2 tuần.
Trong khi đó viêm họng trắng (hay còn gọi là viêm amidan) có những biểu hiện:
- Sốt cao đột ngột.
- Đau họng, có thể nuốt vướng.
- Giọng nói thay đổi.
- Sưng đau hạch vùng cổ.
- Trẻ mệt mỏi, ăn kém, hơi thở có mùi hôi, thường ít ho.
- Biểu hiện tại chỗ: Amidan phù nề to đỏ xung huyết, bề mặt có giả mạc trắng.
Trong thăm khám, bác sĩ sử dụng tiêu chuẩn Centor (thang điểm được sử dụng giúp bác sĩ xác định bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn cao, quyết định có cần xét nghiệm thêm hay không, quyết định có cần điều trị kháng sinh hay không), với các tiêu chí:
- Trẻ bị sưng viêm amidan.
- Sưng phía trước hạch bạch huyết cổ hoặc viêm hạch.
- Có sốt (trên 38 độ).
- Không ho.

Khi trẻ viêm họng, tùy nguyên nhân sẽ có các triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên có một số triệu chứng chung:
- Triệu chứng tại chỗ: Niêm mạc xuất tiết dịch; Phù nề, xung huyết gây các phản ứng đau rát họng, ngứa họng, ho khạc đờm, hơi thở hôi…
- Triệu chứng toàn thân: Sốt, mệt mỏi, chán ăn.
- Các biểu hiện của các cơ quân lân cận: Sưng hạch vùng cổ, đau bụng, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa. Một số triệu chứng ít gặp khác là nổi ban, đau khớp…
Chăm sóc trẻ bị viêm họng
Vì đa phần viêm họng là do virus nên điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng theo hướng làm giảm nhẹ và nâng đỡ sức đề kháng của trẻ.
Để hạ sốt, cha mẹ nên dùng thuốc hạ sốt paracetamol liều 10-15 mg/1 kg thể trọng, cách 4-6 h/lần. Ngoài ra cho trẻ mặc thoáng, nghỉ ngơi nơi kín gió.
Để vệ sinh mũi họng, cha mẹ xịt mũi và xúc họng cho bé bằng nước muối sinh lý, nước thảo dược hoặc các chế phẩm có tác dụng làm sạch và kháng khuẩn nhẹ; làm thoáng mũi bằng thuốc co mạch với trẻ bị ngạt mũi (cần tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ).
Trẻ bị viêm họng đỏ cần bổ sung dinh dưỡng tốt với chế độ ăn đa dạng, giàu vitamin và đạm để dễ ăn, dễ hấp thụ. Đặc biệt cần cho trẻ bù đủ nước và nâng cao sức đề kháng.