

Cho trẻ ăn thực phẩm phù hợp từng giai đoạn phát triển là rất quan trọng. Trong giai đoạn đầu, không nên cho trẻ ăn rau lá nguyên cọng, củ bự như khoai lang, khoai tây, hay trái cây nguyên quả như nho, nhãn. Thực phẩm cần được cắt nhỏ, nấu mềm và dễ nuốt, phù hợp với khả năng nhai và nuốt của trẻ.
Ở giai đoạn 5-6 tháng tuổi (Giai đoạn nuốt chửng)
Trẻ có thể ăn được thức ăn có độ cứng cơ bản giống canh/súp. Giai đoạn này bé chưa cử động lưỡi tốt, lưỡi chỉ có thể cử động ra phía trước và phía sau, vì thế mẹ chế biến thức ăn ở trạng thái lỏng như canh/súp sao cho thức ăn di chuyển dễ dàng trong miệng.

Khi đến giai đoạn 7-8 tháng tuổi (Giai đoạn nhai trệu trạo)
Bé có thể nghiền thức ăn bằng lưỡi và hàm trên. Thức ăn của bé lúc này có độ cứng giống như đậu phụ, mẹ có thể dùng ngón tay ấn nhẹ để cảm giác độ mềm. Ngoài cháo, những thức ăn mà bé có thể ăn được như rau, cá thịt trắng cũng nhiều lên.
Vào giai đoạn 9-11 tháng tuổi (Giai đoạn nhai tóp tép)
Trẻ sẽ cảm nhận được độ cứng cơ bản giống như chuối. Lưỡi cử động lên xuống, bé đã có thể đẩy thức ăn đến hàm, nghiền nát hoặc gặm bằng răng cửa. Giai đoạn này bé có thể chuyển sang thức ăn có độ cứng giống như chuối chín. Đặc trưng của giai đoạn này là bé có nhu cầu tự ăn. Nếu để đồ ăn trước mặt, bé sẽ bốc và đưa vào miệng. Bốc ăn thể hiện bé tìm hiểu hình dáng của thức ăn và cảm giác bằng ngón tay nên hãy để bé khám phá, mẹ đừng ngăn cản bé nhé
Từ tháng thứ 9 trở đi, lượng sắt mà bé nhận được khi ở trong bụng mẹ giảm dần nên cần phải đưa vào thực đơn các thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, cá và gan. Ngoài ra, tạo không khí ăn uống vui vẻ cho bé cùng gia đình cũng rất quan trọng.

Giai đoạn 12-18 tháng tuổi (Giai đoạn nhai thành thạo)
Bé đã cảm nhận được độ cứng cơ bản như thịt viên. Giai đoạn này, bé đã cử động cả lưỡi và cằm một cách thuần thục, răng hàm cũng bắt đầu mọc nên bé có thể nhai nát thức ăn.
Một điểm bố mẹ cần lưu ý là trẻ cần phải được ngồi thẳng trong ghế ăn khi ăn uống. Việc này giúp trẻ ăn dễ dàng hơn và giảm nguy cơ nghẹn.
Xử lý hóc nghẹn
Bố mẹ nên trang bị kiến thức xử lý hóc và ọe đúng cách để sẵn sàng phản ứng khi trẻ gặp sự cố.
- Với trẻ sơ sinh: Đặt trẻ nằm sấp dọc cánh tay cha mẹ, đầu thấp hơn ngực. Dùng một tay đỡ đầu và vai của trẻ, tay kia vỗ mạnh vào lưng giữa hai bả vai trẻ cho đến khi dị vật được bắn ra ngoài.
- Với trẻ nhỏ: Ngồi hoặc quỳ, đặt trẻ nằm sấp trên đùi để đầu trẻ thấp hơn vai. Dùng tay vỗ nhiều lần vào lưng giữa hai vai của trẻ cho đến khi dị vật được bắn ra ngoài. Nếu không có kết quả và trẻ trở nên bất tỉnh, cần thực hiện hô hấp nhân tạo.
- Với trẻ lớn hơn: Bảo trẻ cúi người ra phía trước để đầu thấp hơn ngực; dùng tay móc trong miệng trẻ, tạo phản xạ để trẻ nôn dị vật ra. Khuyến khích trẻ ho để dị vật được bắn ra ngoài.
Nội dung được tư vấn bởi BS Nguyễn Thanh Long Nếu bạn đang công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và có câu chuyện muốn chia sẻ với Đi Cùng Con, xin vui lòng gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn sẽ giúp ích cho rất nhiều cha mẹ trên hành trình nuôi dạy con. |