
Trải qua giai đoạn biếng ăn của con, tôi đúc rút được nhiều kinh nghiệm xương máu cho bản thân.
Lan Phương
Đến khi có con, tôi mới thấm thía câu nói “nuôi con chưa bao giờ là dễ”. Giai đoạn con biếng ăn, tôi gần như rơi vào trầm cảm cho đến khi tìm ra 3 nguyên tắc “vàng” để mỗi bữa ăn không còn là “cuộc chiến” của cả hai.
Tạo thói quen ăn uống tốt cho trẻ
- Cần đảm bảo cho con ăn đúng giờ và không bỏ bữa. Bạn không cần thúc ép mỗi khi thấy con có dấu hiệu biếng ăn, nhưng đúng giờ và không bỏ bữa là điều cần tuân thủ. Điều này góp phần hình thành thói quen ăn uống kỷ luật.
- Chuẩn bị một môi trường ăn uống thoải mái và yên tĩnh cũng giúp bữa ăn trở nên nhẹ nhàng hơn. Chưa nói đến cảm xúc của con, một bữa ăn có tiếng ồn từ TV, điện thoại, tiếng người trò chuyện kết hợp tiếng quấy khóc cũng đủ để bạn khủng hoảng. Bạn cũng có thể cho con ăn cùng cả nhà để tạo nên bầu không khí vui vẻ.

- Ở giai đoạn 9-18 tháng tuổi, bạn có thể tập cho con tự ăn và để con tham gia vào việc chuẩn bị bữa ăn nếu có thể. Điều này giúp con thỏa mãn tính độc lập, tự chủ vốn bắt đầu hình thành, đồng thời gợi mở thế giới quan rộng hơn.
- Một kinh nghiệm xương máu khác là hạn chế TV, điện thoại hay đồ chơi trong bữa ăn. Không phủ nhận đây là cách dỗ ăn hiệu quả vì tôi cũng từng thử, nhưng lâu dần sẽ dẫn đến phụ thuộc và cũng không tốt cho hệ tiêu hóa của bé. Bé nhà tôi cũng mất kha khá thời gian để “cai” được.
Kỹ thuật thu hút sự chú ý
Bữa ăn sẽ trở thành “cực hình” với cả mẹ lẫn con nếu trẻ gặp tình trạng biếng ăn. Tôi áp dụng kỹ thuật thu hút sự chú ý của con vào bữa ăn bằng những điều tưởng chừng đơn giản.
Cụ thể, tôi trình bày món ăn một cách đẹp mắt, sáng tạo và sử dụng những dụng cụ ăn uống ngộ nghĩnh, đáng yêu và thành công kích thích trí tò mò cũng như hứng thú ở con. Ngoài ra, bạn cũng có thể kể chuyện, hát cho con nghe hoặc chơi đùa nhẹ nhàng trước và trong bữa ăn để kích thích sự thèm ăn.
Cách xử lý trẻ nghịch ngợm, quấy khóc
Có lẽ bất cứ bố mẹ nào cũng phải trải qua việc con nghịch ngợm và quấy khóc trong mỗi bữa ăn. Tuy nhiên, thay vì nổi cáu, hãy cố gắng giữ bình tĩnh để không đẩy áp lực lên cao hơn.

Bạn có thể giải quyết tình trạng này bằng những cách đơn giản như chia nhỏ bữa ăn thành nhiều phần, cắt nhỏ thức ăn thành từng miếng vừa ăn, cho con ăn từng muỗng nhỏ... để bữa ăn không còn là thử thách.
Nếu áp dụng những cách trên mà con vẫn quấy khóc, bạn hãy nhẹ nhàng nhắc nhở hoặc tạm dừng khoảng 10-15 phút để con có quãng nghỉ. Đừng quên khen ngợi mỗi khi con ăn ngoan và tuyệt đối tránh dỗ dành bằng quà bánh hoặc đồ chơi nếu không muốn tình trạng này lặp lại thường xuyên.
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |