
Sữa mẹ không chỉ cung cấp chất dinh dưỡng trong 6 tháng đầu đời mà còn giúp trẻ khỏe mạnh. Để lần đầu chăm con suôn sẻ, từ khi mang bầu, tôi đã lên sẵn check-list cần thiết.
LyLy
Nhiều nghiên cứu cho rằng sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh, thích hợp nhất đối với trẻ. Trong sữa mẹ có đủ chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, mỡ, năng lượng, vitamin và muối khoáng với tỷ lệ thích hợp cho sự hấp thụ, phát triển cơ thể trẻ. Trong 6 tháng đầu đời bú đủ sữa mẹ, bé không cần bổ sung thêm bất kỳ loại thực phẩm nào khác.
Bạn có thể tham khảo những lưu ý từ kinh nghiệm của tôi khi bắt đầu hành trình nuôi con bằng sữa mẹ.
Chọn mua máy hút sữa
Đây là “trợ thủ” đắc lực giúp đỡ mẹ trong những tháng đầu nuôi con. Để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé, bạn nên chọn thương hiệu chất lượng, chức năng phù hợp và giá tốt.
Mẹ cần phân biệt máy hút sữa bằng tay và điện. Máy hút sữa bằng tay có cấu tạo đơn giản, dễ sử dụng, kiểm soát được áp lực và tần suất vắt sữa, dễ vệ sinh và giá thành rẻ. Tuy nhiên, mẹ phải dùng nhiều lực nên khá mỏi tay, dễ gây cảm giác đau vú vì không có chế độ massage.

Mặc khác, máy hút sữa bằng điện sở hữu công nghệ thông minh, mang đến trải nghiệm nhẹ nhàng, hiệu quả, giúp mẹ tiết kiệm sức lực và thêm thời gian nghỉ ngơi. Đổi lại, bạn cần chi trả mức giá khá cao và khâu vệ sinh máy kỹ hơn.
Tìm hiểu kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ
“Dấn thân” vào con đường làm mẹ tôi mới nhận ra có rất nhiều điều cần làm, kiến thức tích lũy, đặc biệt với người nuôi con bằng sữa mẹ như tư thế, tần suất, thời gian cho bú, bé bú bao nhiêu là đủ. Bạn nên chuẩn bị sẵn sàng kiến thức từ khi bé chưa ra đời.
Tư thế bú: Tư thế tốt nhất là khi mẹ cảm thấy thoải mái, trẻ có thể ngậm, bú, nuốt dễ dàng. Bạn có thể bế thuận tay, ngược tay, bế ngang nách, mẹ nằm nghiêng... chỉ cần đảm bảo trẻ không phải quay đầu để bú và mũi phải thẳng hàng với núm vú của mẹ. Nhiều người lựa chọn ngồi trên ghế để vừa nâng đỡ trọng lượng của trẻ, vừa ngăn mỏi cánh tay, vai và cổ mẹ. Ngoài ra, thị trường có rất nhiều loại gối hỗ trợ cho con bú có thể giúp mẹ và trẻ thoải mái.

Cách ngậm núm vú: Ngậm đúng cách sẽ giúp trẻ bú đủ lượng sữa, đồng thời ngăn ngừa chấn thương và đau đầu vú. Miệng trẻ cần ngậm kín xung quanh núm vú, hầu hết quầng vú của mẹ, môi trên và môi dưới mở rộng, cằm chạm vào bầu ngực mẹ, mũi gần chạm bầu ngực và bé không bị khó thở.
Khi trẻ ngậm vú đúng cách, mẹ có thể cảm thấy khó chịu trong 30-60 giây đầu tiên, sau đó giảm dần. Cảm giác khó chịu liên tục có thể là dấu hiệu của việc trẻ bú sai cách.
Tần suất và thời gian cho bú: Tôi thường cố gắng cho bú ngay khi con có dấu hiệu đói, biểu hiện ở việc thức giấc, tìm kiếm vú mẹ hoặc mút tay, môi và lưỡi. Hầu hết trẻ sơ sinh không khóc nếu chưa thực sự đói, vì vậy, mẹ không nên chờ đợi đến khi bé khóc mới cho bú.
Từng giai đoạn, tần suất bú của con có sự thay đổi, trẻ 1-2 tháng tuổi bú 8-12 cữ/ngày, trẻ 3-4 tháng tuổi bú 6-9 cữ/ngày, trẻ 5-6 tháng tuổi bú 4-7 cữ/ngày, mẹ bắt đầu tập cho bé ăn dặm.
Hiểu tình trạng cơ thể
Nhiều người cho rằng nuôi con bằng sữa mẹ là bản năng ai cũng biết. Tuy nhiên, trải qua mới thấy thực tế chúng ta dễ mắc lỗi nếu thiếu kiến thức. Để quá trình này dễ dàng hơn, mẹ rất cần sự giúp đỡ của chồng, thành viên khác trong gia đình và sự can thiệp của bác sĩ chuyên môn khi cần thiết.
Thay vì ăn kiêng, các gia đình cần xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng cho bà bầu. Khi cho con bú, cả nhà luôn động viên tôi không bỏ bữa, bổ sung trái cây và rau xanh, đậu, hạt ngũ cốc, ăn thức ăn giàu canxi, chất đạm cũng như uống nhiều nước. Trộm vía nhờ chế độ đó, lượng sữa của tôi khá ổn định.
Tuy nhiên, mẹ cũng cần tìm hiểu về tình trạng sức khỏe của mình, lưu ý trường hợp nào không thể cho con bú, tránh gây ảnh hưởng cả mẹ và bé. Ví dụ, mẹ mắc những bệnh lý về tim mạch nên kiêng cho con bú vì dễ dẫn đến suy tim, ảnh hưởng tính mạng. Trẻ dị ứng với các thành phần protein trong sữa mẹ thì phải thay thế sữa khác. Mỗi mẹ nên “thủ” sẵn thông tin liên lạc của bác sĩ, cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và thăm khám khi cần thiết.