
Vợ chồng mâu thuẫn trong nuôi dạy con cái là chuyện thường gặp. Có không ít mẹ đau đầu chuyện chồng dễ nóng giận khi dạy con. Phải làm sao để có được sự hòa hợp trong việc dạy con cái?
Mai Ánh Nguyệt
Mình xin chia sẻ cách mình cảm hóa chồng, đó là làm gương về kỷ luật tích cực. Cụ thể:
+ Bản thân mình là người luôn giao tiếp, suy nghĩ tích cực với tất cả mọi người.
+ Bản thân mình quan tâm hơn đến các thành viên trong gia đình: đồ dùng hỏng thì mua hay gọi sửa, đi chợ mua thêm đồ cho nhà, mua sắm đồ dùng tư trang cho thành viên trong nhà dịp đặc biệt, hỏi han lúc đau ốm.
+ Bản thân mình luôn thực hành học - chia sẻ. Mỗi ngày, mình về nhà đều kể cho chồng nghe những câu chuyện hôm nay xảy ra và bài học mình nhận được. Mình lồng ghép tư duy tích cực, tập trung giải pháp.
+ Bản thân mình luôn thực hành cách xử lý các tình huống khi ở với con trước mọi người để mọi người học theo.
+ Bản thân mình hỗ trợ chồng đưa ra giải pháp khi dạy con mà con không nghe anh ý.
Tóm lại, tất cả đều là từ bản thân mình.
Mình xin kể lại đoạn tình huống từng xảy ra trong gia đình: Con trai mình (2 tuổi) đòi ăn đuôi tôm nhưng bố không cho vì tôm biển cứng. Con trai đòi cầm quả lặc lè chấm vừng nhưng không ăn mà bóp chơi nên bố không cho, giật bát và cất đi. Kết quả là con khóc đòi và quay ra mẹ mách.
Mình khi đó xử lý như sau:
Mình đứng ngang tầm mắt hỏi con: Con muốn ăn lặc lè hay con muốn bóp chơi? Nếu con ăn bố lấy, nếu con chơi bố phạt. Đây là đồ ăn!
- Con: Con ăn.
- Mình: Ok. Bố lấy giúp con nhé!
Mình đứng cạnh theo dõi. Ban đầu bé cầm sau đó nói bố chấm.
- Mình: À con muốn bố giúp à? Thế bố giúp con nhé!
Mình quay sang chồng nói: Bố hướng dẫn con cách chấm không bị rơi nhé!

Còn chuyện ăn tôm, mình nói anh cứ để con thử, nếu nguy hiểm con không ăn được sẽ nhè ra. Tối ấy khi con đã ngủ, mình thủ thỉ với chồng:
Hôm nay anh xử lý có vẻ chưa bình tĩnh lắm. Giống em hôm nọ. Hôm chủ nhật con quấy nghịch, em nói con bình tĩnh nhưng giọng lúc đấy hơi to anh nhớ không? Thật ra lúc đấy chính em lại là người mất bình tĩnh nên không hướng dẫn con bình tĩnh được. Đến giờ em vẫn áy náy.
Khi dạy con, anh đừng để cảm xúc của con hay bất kỳ ai khác kéo xuống. Cảm xúc của con là của con. Anh chỉ là người giúp con nhận diện cảm xúc, tập trung vào giải pháp và hướng dẫn hành vi đúng thôi. Anh không thể bắt con hiểu anh cũng đang tức, thật ra lúc đó con sẽ không quan tâm cảm xúc của anh đâu. Nên anh càng phản ứng gay gắt, con càng không nghe lời. Anh xử lý như cách em làm hôm nay thử xem.
Với lại, giáo dục là cuộc sống. Không cứ nhất thiết phải bê sách vở ra mới là học. Cách anh cho con thử nghiệm khi ăn vật cứng cũng là dạy. Khi đó anh có thể lồng ghép dạy con thế nào là cứng, là mềm; khi cứng ăn sẽ làm sao; cái gì thì cứng nhỉ…
Không cần cả ngày theo con, chỉ cần ở cạnh con 20-30 phút mỗi ngày nhưng chất lượng thôi. Cũng đừng mong trong lúc đó con vui vẻ với mình, đôi lúc con mè nheo quấy khóc là vì con cảm thấy an toàn khi ở cạnh mình thôi. Cũng như em và anh. Có những khi em chỉ thể hiện khi ở cạnh anh thôi, mà người khác không bao giờ biết được. Mình có nguyên tắc nhưng không tiêu cực, bạo lực. Như thế con sẽ thấy anh an toàn, đáng tin thì anh dạy con dễ lắm!
Kể ra thì dài nhưng mình nói tầm 10 phút thôi. Chồng mình nghe chỉ im lặng, ánh mắt nghĩ ngợi. Kết thúc buổi nói chuyện đó để đi ngủ, mình có chốt một câu là: Dạy con dễ nhất là làm gương mà khó nhất cũng là làm gương. Mình không làm thì ai làm!
Chúc các mẹ thành công. À, để chồng đọc sách cho con, mấy bộ sách EQ, IQ trẻ em ý, mình thấy khá hiệu quả đấy!
Nội dung được chia sẻ bởi mẹ Mai Ánh Nguyệt - Tư vấn phát triển ngôn ngữ sớm cho trẻ và giáo dục sớm. Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |