
Theo UNICEF, cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nhận thức giới tính của con cái. Những định kiến này có thể ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến sự phát triển về khía cạnh xã hội và cảm xúc của trẻ.
Ngân An
Bộ não trẻ em phát triển nhanh trong những năm đầu đời, đặc biệt giai đoạn 0-3 tuổi, đặt nền tảng cho khả năng học tập, sức khỏe và hành vi về sau. Tuy nhiên, từ 3 tuổi, trẻ bắt đầu nhận thức về bản dạng giới tính của mình và những suy nghĩ này tiếp tục được củng cố theo thời gian. Đến 5 tuổi, trẻ có thể hiểu và thể hiện bản dạng giới qua lời nói và hành động.
Tuy nhiên, cha mẹ cần phân biệt "giới tính" (sex) và "bản dạng giới" (gender). Giới tính sinh học chỉ sự khác biệt về mặt sinh học giữa nam và nữ, trong khi bản dạng giới là khái niệm xã hội về vai trò, hành vi và đặc điểm được quy định cho mỗi giới. Bản dạng giới tính có thể thay đổi theo thời gian và văn hóa.
Cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nhận thức giới tính của con cái. Những định kiến giới tính có thể được “lan truyền” và khẳng định qua cách khen ngợi, khuyến khích và tương tác với trẻ. Ví dụ, bé gái thường được khen về ngoại hình và sự dịu dàng, trong khi bé trai được khen về sức mạnh, lòng dũng cảm. Những suy nghĩ này có thể ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển xã hội và cảm xúc của trẻ.
Vậy làm thế nào để nuôi dạy con cái theo hướng “tránh xa” định kiến giới tính?
Đối xử bình đẳng từ đầu
Trẻ em, bất kể trai hay gái, đều cần được yêu thương, chăm sóc và nuôi dưỡng bình đẳng ngay từ khi chào đời. Mối quan hệ của cha mẹ với con cái đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Dù là con trai hay gái, cha mẹ nên tạo điều kiện để trẻ tham gia các hoạt động như vui chơi, đọc sách, ăn uống cùng nhau, từ đó hỗ trợ quá trình học hỏi và phát triển.
Việc trẻ được đối xử bình đẳng trong gia đình bất kể giới tính sẽ giúp con tránh xa những suy nghĩ về định kiến giới, vốn ăn sâu vào tiềm thức của các thế hệ đi trước.
Tạo điều kiện để mọi người cùng tham gia trong giờ chơi
Cha mẹ hãy đảm bảo cả bé trai và bé gái đều có cơ hội tham gia các trò chơi, hoạt động giải trí. Lựa chọn đồ chơi, sách và trò chơi phù hợp giúp trẻ phát triển sự tự tin, kỹ năng xã hội và nhận thức.
Phụ huynh có thể ưu tiên những món đồ gợi mở tính sáng tạo. Thậm chí, một cuốn sách có nhân vật trong những vai trò phá vỡ khuôn mẫu và định kiến truyền thống - chẳng hạn con gái làm “siêu nhân”, ngành kỹ thuật cơ giới; con trai làm y tá - sẽ giúp con hiểu rằng giới tính không phải là yếu tố quyết định đến lựa chọn công việc trong tương lai.

Cẩn trọng với đồ chơi mang yếu tố định kiến giới
Các món đồ chơi thường được thiết kế dựa trên đặc tính cố hữu về giới tính của các em bé. Chẳng hạn búp bê thường là món đồ được bé gái ôm ấp mỗi ngày, con trai lại thích mê siêu anh hùng hay xe cộ; bao bì màu hồng chỉ dành cho bé gái còn màu xanh mới của bé trai. Tuy nhiên trên thực tế, cả bé gái và bé trai đều có thể chơi búp bê, đồ chơi nấu ăn hay tham gia vận động thể chất.
Nếu nhìn thấy những khía cạnh này ẩn sau các món đồ chơi, cha mẹ nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc. Bởi hành động này có thể “vô tình” củng cố định kiến giới tính trong suy nghĩ của trẻ.
Làm gương cho con
Con cái là tấm gương phản chiếu từ cha mẹ. Để hướng con đến hành vi tốt, suy nghĩ hay, cha mẹ nên trở thành tấm gương tích cực bằng cách xóa bỏ định kiến về giới. Chẳng hạn, cha có thể tham gia nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa cùng mẹ và con cái. Mẹ nên đồng hành cùng con trẻ chơi các môn thể thao ngoài trời.
Dành thời gian cho con là điều quan trọng, tuy nhiên phụ huynh đừng quên “set-up” những khoảnh khắc chỉ có hai người (bố và mẹ; bố/mẹ và con) để tăng cường sự gắn kết và lòng tự trọng của trẻ.

Tránh sử dụng từ ngữ “gây hại”
Tránh sử dụng những câu nói đùa hoặc cụm từ củng cố định kiến về giới, ví dụ “Con trai mà lại khóc như bé gái" hoặc “Con gái sao quậy thế”. Hãy cởi mở và chấp nhận cảm xúc của con, khuyến khích trẻ thể hiện cảm xúc và bản sắc riêng của mình.
Điều quan trọng nhất là cha mẹ nên tránh gán các định danh về giới tính lên trẻ. Thay vào đó, nên tạo dựng môi trường nuôi dưỡng để khuyến khích con phát triển theo cách của riêng mình.
Theo UNICEF
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |