
Thực tế trong đời sống hàng ngày, chúng ta dễ bắt gặp nhiều tình huống trẻ trả lời "OK" khi người lớn hỏi chuyện. Không ít cha mẹ coi đó là việc bình thường, thậm chí thấy thú vị khi con nói vậy.
Cô giáo Minh Thu
Là một giáo viên mầm non, tôi gặp nhiều tình huống khi trẻ trả lời như vậy, đặc biệt là các bé từ 2 đến 5 tuổi. Đây là độ tuổi trẻ đang phát triển về mặt ngôn ngữ, hình thành các kỹ năng cơ bản. Điều quan trọng là cần giúp trẻ hiểu cách nói chuyện lịch sự, từ đó hình thành thói quen, kỹ năng giao tiếp đúng đắn, lễ phép với người lớn.
Dưới đây là một số cách mà các cha mẹ có thể áp dụng khi gặp tình huống trẻ nói trống không hoặc dùng ngôn từ chưa hợp lý.
Làm mẫu
Khi trò chuyện với trẻ, các mẹ hãy làm mẫu cho trẻ cách trả lời chi tiết và lịch sự hơn.
Ví dụ, khi bạn hỏi trẻ, hãy khuyến khích trẻ trả lời với nhiều thông tin hơn, chẳng hạn như “Vâng ạ”, “Vâng con hiểu rồi ạ” hoặc “Con sẽ làm ngay”… Câu trả lời dài hay ngắn tùy thuộc vào lứa tuổi và khả năng ngôn ngữ của trẻ.
Giải thích lý do
Nói với trẻ về tầm quan trọng của việc trả lời rõ ràng và lịch sự. Giải thích rằng việc này giúp người khác hiểu rõ hơn điều con muốn nói; giúp con tạo ấn tượng tốt với người nghe.
Khuyến khích và khen ngợi
Khen ngợi trẻ khi bé trả lời chi tiết và lịch sự. Sự động viên sẽ giúp con cảm thấy tự hào và muốn lặp lại hành động đó.

Dùng các trò chơi và hoạt động
Biến việc học cách trả lời chi tiết thành một trò chơi vui nhộn. Các cha mẹ có thể tổ chức các buổi học giao tiếp trong gia đình để mọi người cùng tham gia và học hỏi lẫn nhau.
Nhắc nhở nhẹ nhàng
Khi trẻ trả lời "OK", cha mẹ hãy nhắc nhở nhẹ nhàng và khuyến khích trẻ trả lời chi tiết hơn. Sự kiên nhẫn và nhẹ nhàng sẽ giúp con không cảm thấy áp lực.
Trẻ lớp tôi đang dạy có độ tuổi 24-36 tháng. Đây là độ tuổi các bé có nhu cầu và cần được phát triển ngôn ngữ nhiều nhất, nhưng lại chưa thể hiểu trả lời “OK” với người lớn là chưa lịch sự. Trẻ ở độ tuổi này có khả năng và vốn từ còn hạn chế. Khi gặp phải tình huống này, tôi chọn xử lý theo cách sau.
Như khi tôi nói với trẻ “Ngày mai con nhớ đi học ngoan, không khóc cô sẽ thưởng bé ngoan nhé!”, trẻ trả lời “OK”. Trong tình huống này, tôi nhẹ nhàng giải thích để trẻ hiểu được khi người lớn nói mà trẻ trả lời như vậy là chưa lịch sự, chưa lễ phép, ví dụ: “Các con còn nhỏ, ít tuổi hơn nên khi trả lời người lớn phải dùng Vâng ạ chứ không trả lời OK nhé!”.
Ngay sau khi giải thích để trẻ hiểu, tôi lặp lại “Ngày mai con nhớ đi học ngoan, không khóc cô sẽ thưởng bé ngoan nhé!”, và trẻ trả lời bằng câu “Vâng ạ” mà tôi đã dạy. Khi trẻ trả lời lễ phép như vậy, tôi đã khen ngợi và động viên để trẻ có động lực lặp lại hành động tốt đó.
Hy vọng những gợi ý trên sẽ giúp các cha mẹ xử lý tình huống và tập thói quen giao tiếp lịch sự cho bé.
Bài viết được chia sẻ bởi cô Minh Thu - Tổ trường chuyên môn, giáo viên mầm non tại Hà Nội Nếu bạn đang công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và có câu chuyện muốn chia sẻ với Đi Cùng Con, xin vui lòng gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn sẽ giúp ích cho rất nhiều cha mẹ trên hành trình nuôi dạy con. |