
Câu hỏi đầu tiên hiện lên trong đầu bố mẹ khi nghĩ đến việc cho con cai bỉm và tập ngồi bô là “Khi nào nên bắt đầu?”.
Minh Hà
Việc tập ngồi bô không chỉ giúp con giữ gìn vệ sinh cá nhân, mà còn tạo thói quen tốt sau này. Bằng cách rèn thói quen đi vệ sinh đúng giờ, bé sẽ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh và phát triển toàn diện.
Theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), về mặt sinh lý, nhiều trẻ sẵn sàng tập đi vệ sinh bằng cách ngồi bô khi được khoảng 18 tháng tuổi. Tuy nhiên, độ tuổi này chỉ mang tính chất tham khảo, bởi sự phát triển của mỗi bé là khác nhau. Một số bé có thể sẵn sàng sớm hơn, trong khi một số bé khác lại cần nhiều thời gian hơn, thậm chí có thể đến 36-42 tháng.
Những dấu hiệu cho thấy con sẵn sàng tập ngồi bô
Để biết con đã sẵn sàng tập đi vệ sinh hay chưa, bố mẹ cần quan sát cả sự phát triển về thể chất và nhận thức. Dưới đây là một số dấu hiệu điển hình:
- Không thích tã bẩn: Bé tỏ ra khó chịu khi tã ướt hoặc bẩn, thậm chí tự kéo cởi tã. Đây là dấu hiệu cho thấy bé đã nhận thức được sự khó chịu và muốn thay đổi.
- Quan tâm đến việc đi vệ sinh: Bé thường xuyên quan sát người lớn đi vệ sinh, thể hiện sự tò mò với việc ngồi bô và muốn bắt chước.
- Khéo léo với quần áo: Bé có thể tự kéo quần lên và xuống. Đây là một kỹ năng quan trọng cho việc tập đi vệ sinh và tập ngồi bô.
- Giữ tã khô: Bé có thể giữ tã khô trong khoảng thời gian dài hơn, ví dụ sau giấc ngủ trưa hoặc trong một vài giờ.

- Báo hiệu khi muốn đi vệ sinh: Bé có thể dùng lời nói, biểu cảm hoặc các hành động để thông báo với người lớn khi muốn đi vệ sinh.
- Hiểu và làm theo hướng dẫn: Bé có thể làm theo những yêu cầu đơn giản như “Ngồi xuống nào”, “Vỗ tay nào”…
Một số cách rèn bé ngồi bô hiệu quả
Việc huấn luyện con ngồi bô là thói quen tốt. Tuy nhiên, không phải bé nào cũng dễ làm quen với điều này. Để quá trình rèn trẻ đi vệ sinh thành công, cả bố mẹ và bé đều cần cảm thấy thoải mái và sẵn sàng. Cùng khám phá những bí quyết đơn giản mà hiệu quả dưới đây để giúp bé tự tin “chia tay” tã bỉm:
- Làm quen với bô: Đầu tiên, hãy chọn một chiếc bô có màu sắc bé thích, hình thù đáng yêu và đặt ở nơi bé thường xuyên qua lại. Để bé tự do khám phá chiếc bô mới, chạm vào, ngồi lên và làm quen với hình dáng của nó.
- Cho bé ngồi thử: Bố mẹ hãy cho con ngồi để làm quen dần trong vài phút sau khi uống sữa hay sau ăn khoảng 30 phút hoặc trước khi đi ngủ. Không nên ép buộc bé phải đi vệ sinh ngay lập tức, mà hãy để bé tự nhiên và thoải mái.
- Tạo không khí thoải mái: Mẹ có thể đọc cho con nghe các cuốn sách với hình ảnh sinh động, màu sắc bắt mắt về những nhân vật nhỏ tuổi đi vệ sinh. Qua các câu chuyện đó, bé sẽ hiểu rằng đi vệ sinh là việc bình thường và cần thiết. Việc được nghe mẹ đọc sách, kể chuyện sẽ giúp bé cảm thấy an toàn và thoải mái hơn khi ngồi trên bô. Những bài hát vui nhộn về việc đi vệ sinh cũng là một công cụ hữu hiệu. Các giai điệu bắt tai, lời ca đơn giản và dễ nhớ sẽ giúp bé nhớ quy trình đi vệ sinh một cách tự nhiên. Mẹ có thể hát cùng bé, tạo ra không khí vui vẻ và thư giãn, giúp bé quên đi cảm giác ngại ngùng.
- Khen ngợi khi con hợp tác: Mỗi khi bé đi vệ sinh vào bô, mẹ có thể khích lệ bằng những lời như “Con ngoan quá! Con đã làm được một việc thật tuyệt vời đấy!”, “Mẹ/bố rất tự hào về con!”, “Con đã lớn thật rồi đấy!”, kết hợp những cái ôm và vỗ tay để tạo nên bầu không khí thật vui tươi.

- Đi vệ sinh sau khi ăn, uống và trước khi đi ngủ: Đây là những thời điểm bé thường có nhu cầu đi vệ sinh. Việc tạo thói quen sẽ giúp bé hình thành phản xạ tự nhiên. Sau khi ăn hoặc uống sữa, hệ tiêu hóa của bé hoạt động mạnh mẽ, tăng nhu cầu đi vệ sinh. Lúc này, hãy cho bé ngồi bô để làm quen với việc đi vệ sinh vào những thời điểm nhất định. Ngoài ra, trước khi đi ngủ, đi vệ sinh giúp bé làm trống bàng quang, ngủ ngon hơn và giảm nguy cơ tè dầm.
Tập cho bé làm quen với bô là một quá trình cần sự kiên nhẫn và yêu thương của cả bố mẹ và bé. Một môi trường vui vẻ, thoải mái với những phương pháp phù hợp sẽ giúp con trải qua giai đoạn này vui vẻ và nhẹ nhàng.
Theo The Bump
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |