
Bên cạnh cầu bình an và may mắn cho gia đình, việc đi chùa lễ bái giúp mẹ bầu cảm thấy thanh thản trong tâm hồn.
Chi Anh
Theo chia sẻ của các mẹ, đảm bảo an toàn cho bản thân và thai nhi, phụ nữ mang thai cần lưu ý một số điều sau khi đi chùa.
Chỉ nên đi chùa khi có sức khỏe tốt
Mẹ bầu chỉ nên đi chùa khi có sức khỏe tốt, thai nhi phát triển bình thường. Trong trường hợp có tiền sử sinh non, động thai hoặc đang mắc các bệnh lý khác, mẹ bầu cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi đi chùa. Ở giai đoạn cuối của thai kỳ, mẹ không nên vái lạy, thắp hương... mà có thể đứng bên cạnh để thành tâm cầu nguyện.
Chọn thời gian và địa điểm phù hợp
Mẹ bầu cần lưu ý tránh đi chùa vào ngày nắng nóng, đông đúc hoặc có nhiều hoạt động cúng bái, lễ hội. Thời gian đi chùa tốt nhất là vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối, khi trời mát mẻ, không khí trong lành.
Để đảm bảo an toàn, mẹ nên lựa chọn chùa gần nhà, tránh chọn địa điểm quá xa, phải di chuyển nhiều, dễ mệt mỏi và mất sức. Ngoài ra, thai phụ cần cẩn thận khi đi lại trong chùa, tránh chen lấn, xô đẩy; không đứng quá lâu ở khu vực có nhiều hương khói. Theo kinh nghiệm của các mẹ, khi đi lễ bái, thai phụ nên đi cùng người thân để được hỗ trợ.

Uống đủ nước và chọn trang phục thoải mái
Tips quan trọng để duy trì sức khỏe trong suốt quá trình lễ chùa là uống đủ nước, nhất là trong những ngày nắng nóng. Mẹ bầu nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh ăn quá no hoặc quá đói, có thể mang theo đồ ăn nhẹ để lót dạ khi cần thiết.
Cuối cùng, mẹ bầu nên lựa chọn trang phục thoải mái, rộng rãi, dễ di chuyển. Tránh mặc trang phục bó sát, có thể gây cản trở quá trình lưu thông máu.

Tuân thủ những lưu ý trên khi đi chùa dịp Tết, mẹ bầu sẽ cảm thấy thoải mái trong suốt hành trình, đồng thời thuận tiện cầu mong bình an cho gia đình.