
Bé vào lớp 1 là bước ngoặt lớn với bất cứ gia đình nào. Để hành trình này khởi đầu suôn sẻ, nhiều bố mẹ đã cho con học sớm nhưng cũng từ đây mà phát sinh nhiều tình huống dở khóc dở cười.
Quỳnh Như
Tháng 9 này bé nhà tôi sẽ vào lớp 1. Càng gần thời điểm con đi học, tôi càng cảm thấy áp lực vô hình. Tôi lo con không theo kịp chương trình học, dẫn đến khó hòa hợp với bạn bè ở trường lớp. Để tránh “nước đến chân mới nhảy”, theo lời gợi ý của các mẹ đi trước, tôi quyết định bắt đầu hành trình dạy chữ cho con tại nhà.
Ban đầu, cả gia đình đều háo hức trước hành trình mới. Tôi chuẩn bị đầy đủ vật dụng học tập cho con, đồng thời đầu tư hẳn bàn học xịn. Con cũng hào hứng khi nhận được sự quan tâm, khích lệ của cả nhà. Đúng giờ, con sẽ ngồi vào bàn để cùng bố mẹ viết chữ, đọc số…
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, sau một thời gian ngắn, mọi thứ bắt đầu trở nên “vượt tầm kiểm soát”. Cảm giác mới mẻ qua đi, bé bắt đầu không hợp tác, không tập trung khi học.
Thực ra con gái tôi vốn hiếu động và ham chơi, nên việc ngồi im để học là một thử thách lớn đối với bé. Nhóc tì thường xuyên mất tập trung, nghịch ngợm và không chịu tiếp thu bài học. Viết vừa tròn một chữ, bé lại ra khỏi bàn chạy chơi quanh nhà, sau đó mới trở về bàn viết tiếp. Có khi một trang giấy nhưng bé viết cả 2-3 giờ đồng hồ.
Tôi cũng xác định rõ việc dạy con học đòi hỏi sự kiên nhẫn và bình tĩnh. Tuy nhiên, có những lúc tôi cảm thấy nản lòng và cáu khi con không chịu hợp tác. Khi đó, tôi vô tình la mắng con, dẫn đến bé càng sợ hãi và không muốn học hơn. Thậm chí, vợ chồng tôi cũng sinh ra cãi cọ khi có quan điểm khác nhau về cách dạy con học.

Nhớ lại khoảng thời gian đó, việc học chữ trở thành áp lực cho cả bố mẹ và con. Thay vì những giây phút vui vẻ, giờ đây chúng tôi thường xuyên mâu thuẫn. Bố mẹ thì luôn miệng la mắng, con nước mắt ngắn nước mắt dài.
Nhận thấy tình hình ngày càng nghiêm trọng, tôi bàn với chồng quyết định dừng cho con ngồi vào bàn học một tuần. Trong khoảng thời gian đó, hai vợ chồng “cắp cặp” sang nhà bác - người có kinh nghiệm làm giáo viên tiểu học 30 năm - để tìm giải pháp.
Nghe chuyện xong, bác trách hai vợ chồng quá nóng lòng việc dạy con dẫn đến phản tác dụng. Sau khi chỉ dẫn cho chúng tôi cách đồng hành cùng con, các kiến thức cơ bản nên hướng dẫn bé, bác cũng nhắc nhở việc dạy con học là một hành trình dài và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Bố mẹ cần bình tĩnh và nhẹ nhàng khi con không hợp tác, thay vì la mắng hay quát nạt.
Trên hết, hai vợ chồng cần thống nhất về quan điểm dạy con học để tránh mâu thuẫn và gây hoang mang cho trẻ. Đồng thời cần tạo môi trường học tập vui vẻ và thoải mái để con hứng thú.

Sau một thời gian cố gắng điều chỉnh và áp dụng những phương pháp phù hợp, bé nhà tôi dần tập trung và tiếp thu bài học tốt hơn. Mẹ con cũng hòa hợp và kiên nhẫn hơn trong quá trình dạy học.
Nhìn lại, đây là một hành trình đầy thử thách nhưng cũng rất đáng giá. Không chỉ bé trưởng thành hơn mà vợ chồng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc khi cùng nhau “tốt nghiệp” khóa học làm cha mẹ trong những năm đầu đời của con gái yêu.