
Theo Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (National Health Service - NHS), trẻ em 4-11 tuổi có thể chật vật khi phải đối mặt với cảm xúc lo lắng, căng thẳng khi ở một mình. Để giúp con vượt qua rào cản tâm lý, cha mẹ có thể cùng con thiết kế Worry box - chiếc hộp lo âu.
Nhật Hạ
Với Worry box - chiếc hộp lo âu, trẻ có thể tự trút bỏ lo lắng vào hộp và đóng lại để không phải suy nghĩ thêm về chúng nữa. Ý tưởng này có thể giúp trẻ ngủ ngon hơn vào ban đêm và duy trì sự tập trung vào ban ngày.
Giải thích về hộp lo âu
Bạn có thể giải thích để con hiểu hộp lo âu là nơi bé có thể cất giữ những lo lắng của mình. Cần nhấn mạnh với bé rằng: Không có lo lắng nào quá lớn hay quá nhỏ để bỏ vào hộp. Trẻ có thể cất lo lắng vào và lựa chọn thời điểm lấy ra theo ý thích, không giới hạn thời gian dài hay ngắn.
Thông qua chiếc hộp này, con có cơ hội chia sẻ những lo âu đang có với cha mẹ. Đồng thời, bé có thể gác sang bên cảm giác đó cho đến khi bản thân sẵn sàng đối mặt. Thực tế, đôi khi trẻ nhỏ cảm thấy an tâm hơn khi có người lớn ở bên và gánh bớt âu lo cho mình. Việc thiết kế hộp lo âu sẽ giúp con kiểm soát được suy nghĩ và cảm xúc, đồng thời có thêm thời gian trò chuyện với bạn.

Chuẩn bị nguyên vật liệu để làm hộp lo âu
- Bạn có thể dùng một chiếc hộp giấy carton bất kỳ. Kích thước lý tưởng là nhỏ khoảng hộp đựng giày. (Lưu ý, bạn có thể tái chế hộp giấy bỏ đi thay vì mua mới)
- Bút màu, bút chì màu hoặc sơn.
- Giấy gói, giấy màu hoặc tạp chí cũ.
- Bút viết hoặc bút chì.
- Một số tờ giấy, sổ tay nhỏ hoặc giấy ghi chú.

Cách làm hộp lo âu
- Để con trang trí hộp lo âu theo cách bé muốn: Hãy để con được tự tay biến chiếc hộp này trở nên đặc biệt. Việc vẽ hoặc dán sticker con yêu thích là cách tốt nhất để “đánh dấu” quyền sở hữu cá nhân.
- Đặt hộp lo âu ở vị trí an toàn và tiện lợi để con và cha mẹ có thể tiếp cận bất cứ lúc nào.
- Đặt sẵn giấy và một cây bút bên trong hộp để con luôn có thể dùng đến khi muốn trút bầu tâm sự.
Cách sử dụng hộp lo âu
- Chọn khoảng thời gian phù hợp để trò chuyện với con về những lo lắng trong ngày.
- Sau khi con trải lòng, bạn có thể khuyến khích bé viết ra giấy và đặt vào hộp lo âu.
- Hướng dẫn con đặt từng tờ giấy ghi nỗi lo vào hộp trước khi viết tiếp một mối lo mới.
- Nhắc nhở bé rằng nỗi lo ở trong hộp có thể ở đó vĩnh viễn, cho đến khi con cảm thấy muốn lấy ra.
- Con có thể mang hộp cất đi. Lúc này, tất cả những nỗi lo lắng sẽ được chứa đựng trong hộp và con không cần nghĩ về chúng nữa.
- Bất cứ khi nào thấy sẵn sàng, con có thể lấy nỗi lo lắng ra khỏi hộp và chia sẻ với cha mẹ, người thân. Sau đó, con có thể tự tay vứt mảnh giấy đi. Hành động này củng cố cảm giác về sự kết thúc, cũng như nhắc nhở rằng con hoàn toàn có thể kiểm soát nỗi lo lắng của mình.