
Tương tự hoa lan cần được chăm sóc tỉ mỉ mới nở rộ, "trẻ hoa lan" cũng rất nhạy cảm và dễ bị tác động bởi môi trường xung quanh. Những thay đổi trong thói quen, môi trường ồn ào hoặc quá nhiều kích thích có thể ảnh hưởng đến bé nhiều hơn so với những trẻ khác.
Ngân An
Bạn có bao giờ để ý có những đứa trẻ dường như thích nghi rất nhanh với mọi tình huống, trong khi có bé lại gặp khó khăn ngay cả với những thay đổi nhỏ nhất không? Người Thụy Điển có một cách gọi rất hay cho hiện tượng này. Họ dùng từ orkidebarn - hay "đứa trẻ hoa lan" - để mô tả những bé rất nhạy cảm với môi trường xung quanh. Ngược lại, maskrosbarn - "đứa trẻ bồ công anh" - lại có khả năng thích nghi linh hoạt hơn.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là không có kiểu tính cách nào là tốt hay xấu. Hãy coi những thuật ngữ này như một công cụ giúp bạn hiểu con mình hơn và hỗ trợ con phát triển tốt nhất.
Dấu hiệu nhận biết “đứa trẻ hoa lan”
Nếu con bạn có những đặc điểm sau, có thể bé thuộc nhóm “hoa lan”:
1. Nhạy cảm với sự thay đổi
Ngay từ nhỏ, trẻ thường nhạy cảm hơn so với anh chị em hoặc bạn bè cùng trang lứa. Bé có thể là một em bé hay quấy, khó chịu khi phải ở một mình và có phản ứng cảm xúc mạnh mẽ hơn bình thường. Lớn hơn, bé có thể dễ lo âu khi xa bố mẹ và gặp khó khăn trong việc tự lên tiếng hoặc bảo vệ bản thân.
2. Dễ bị kích thích quá mức
Bé có thể nhạy cảm với tiếng ồn lớn, ánh sáng chói, chất liệu vải, hay thậm chí là một số loại thức ăn.
3. Kén ăn
“Trẻ hoa lan” thường chỉ thích một số món ăn nhất định và có xu hướng từ chối thử món mới.
4. Ít bạn bè
Bé có thể gặp khó khăn trong việc kết bạn mới và thường thích chơi với những người đã quen lâu. Khi lớn hơn, bé có thể cảm thấy kiệt sức khi tham gia các hoạt động đông người; bé thích dành thời gian một mình hơn.
Cách hỗ trợ một “đứa trẻ hoa lan”
Theo Tiến sĩ Sandra Whitehouse từ Viện Tâm lý Trẻ em (Hoa Kỳ), “đứa trẻ hoa lan” có thể phát triển rất tốt nếu được nuôi dưỡng trong một môi trường yêu thương và hỗ trợ. Điều quan trọng là giúp con mở rộng vùng an toàn của mình mà không tạo áp lực quá lớn.
Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn đồng hành cùng con:
1. Duy trì lịch sinh hoạt ổn định
“Trẻ hoa lan” thích một môi trường có thể đoán trước và ít thay đổi đột ngột. Vì vậy, hãy duy trì lịch sinh hoạt ổn định, các hoạt động cố định hàng tuần, và một thói quen đi ngủ quen thuộc.
2. Giúp con từ từ làm quen với điều mới
Trước khi để bé ở nhà với người giữ trẻ mới, hãy để bé gặp người này trước. Nếu bé sắp dự tiệc sinh nhật ở một nơi lạ, hãy cho bé đến thăm địa điểm trước. Nếu bé chuẩn bị vào lớp mới, hãy cho bé gặp giáo viên và xem lớp học trước ngày khai giảng.

3. Nhận biết khi nào con đã đạt giới hạn
“Đứa trẻ hoa lan” dễ bị quá tải, vì vậy cha mẹ cần giúp con nhận ra dấu hiệu căng thẳng và dạy con cách nghỉ ngơi khi cần. Bạn cũng có thể giúp con học cách đặt ranh giới với người khác khi cảm thấy bị áp lực.
4. Đừng để sự lo lắng "kiểm soát" con
Đừng quá bảo bọc hay né tránh những tình huống gây lo âu cho con, vì điều đó có thể làm vấn đề nghiêm trọng hơn về lâu dài. Thay vào đó, hãy giúp con từng bước đối diện nỗi sợ và học cách xử lý các tình huống khó khăn.
Khi nào cần tư vấn từ chuyên gia?
Nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc cân bằng giữa khích lệ và bảo bọc con, hãy cân nhắc tìm đến một nhà tâm lý hoặc chuyên gia tư vấn.
Theo Tiến sĩ Whitehouse, có ba yếu tố cần xem xét:
- Cường độ: Cảm xúc hoặc hành vi của trẻ có quá mạnh mẽ không?
- Thời gian: Những phản ứng này kéo dài bao lâu? (hơn 10-15 phút có thể là dấu hiệu đáng lo)
- Tần suất: Trẻ có thường xuyên gặp khó khăn không? (Nếu xảy ra hàng ngày và ảnh hưởng đến cuộc sống, có thể cần sự hỗ trợ chuyên sâu hơn)
Theo parents.com
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |