

“Kháng sinh này nặng hay nhẹ, liều cao hay liều thấp” là câu hỏi thường ngày bác sĩ hay gặp và cũng là nỗi lo của khá nhiều phụ huynh khi con được kê đơn kháng sinh.
Phần lớn cách hiểu của phụ huynh là cứ kháng sinh nào có hàm lượng cao (250 mg hoặc 500 mg) thường được gọi là loại nặng và loại nào 50 mg hay 100 mg thường hay gọi là loại nhẹ. Hoặc có phụ huynh cho rằng kháng sinh đắt tiền thường là loại nặng. Thực ra không phải vậy.
Có lẽ ý phụ huynh đang muốn nói đến ở đây là phổ kháng khuẩn. Hiểu nôm na là loại kháng sinh nào có thể tiêu diệt được càng nhiều loại vi khuẩn khác nhau thì có phổ kháng khuẩn càng rộng và càng nặng và ngược lại. Khi khám mà bác sĩ không có cách nào định hướng được nhóm vi khuẩn hay gặp trên bệnh nhân cụ thể thì có xu hướng kê loại kháng sinh có phổ kháng khuẩn rộng nặng để mong có thể bao vây gần hết các loại vi khuẩn hay gặp.
Phương pháp sử dụng kháng sinh mạnh ngay từ đầu đó chỉ được khuyến cáo trong những trường hợp cụ thể, nguy kịch tính mạng (như nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng thần kinh trung ương...) để giảm tỉ lệ tử vong cho bệnh nhân. Trong các bệnh nhiễm trùng thông thường như viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm phổi cộng đồng thì phương pháp sử dụng kháng sinh đó không được khuyến cáo vì nếu sử dụng rộng rãi sẽ làm gia tăng tỉ lệ kháng kháng sinh đó của vi khuẩn. Vì thế người ta cố gắng hạn chế tối đa sử dụng kháng sinh khi không cần thiết và cố gắng chọn loại kháng sinh có phổ hẹp nhất (nhẹ nhất), phù hợp với bệnh nhân nhất có thể.

Liều lượng kháng sinh và thời gian sử dụng kháng sinh cũng không giống nhau mà nó tùy thuộc nhiều yếu tố: Tuổi, tình trạng bệnh, bệnh lý kèm theo...
Ví dụ: Loại kháng sinh nhẹ phổ biến hay được kê toa nhất là augmetin (thành phần là amoxicillin + acid clavulanic). Trẻ 1 tuổi, 12 kg với nhiễm trùng nhẹ như viêm họng thì chỉ cần 2 gói loại 250 mg/ ngày là đủ. Nhưng với loại nhiễm trùng nặng như viêm tai giữa hay viêm phổi thì cần gấp đôi liều đó tức 4 gói augmentin 250 mg/ngày mới đủ.
Phụ huynh đọc trong tờ hướng dẫn sử dụng thấy liều thấp hơn nhiều mà bác sĩ lại kê vậy thành ra hoang mang. Xin thưa không phải bác sĩ kê sai liều. Các thông tin trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc thường không cập nhật kịp theo xu thế các loại bệnh lý cụ thể. Vì thế các bác sĩ lâm sàng tuân theo các chỉ dẫn của các bệnh viện/ hiệp hội uy tín để kê đơn.
Thế nhưng, thực tế ở nước ta hiện nay, việc kê đơn/ tự mua quá nhiều kháng sinh và kê đơn/ tự mua kháng sinh không đúng khuyến cáo đang rất phổ biến. Những kháng sinh nhẹ được ưu tiên kê trước như amoxillin hay augmentin lại ít được tuân thủ mà cứ phải dùng những kháng sinh có phổ kháng khuẩn rộng nặng cho yên tâm như cefixim, cepodoxim, cefdinir... Thành ra những nhiễm trùng cộng đồng thông thường gần đây cũng có xu hướng bị kháng thuốc nhiều.

Để trả lời câu hỏi bệnh nhân có cần hay không cần kê đơn kháng sinh trong một tình huống cụ thể là không đơn giản chút nào. Luôn phải cân nhắc lợi ích và nguy cơ nếu kê/không kê là gì? Các giới hạn nào cho theo dõi?... Vì thế, bác sĩ lâm sàng có trách nhiệm sẽ phải tư duy rất nhiều để có được lời khuyên tốt nhất cho bệnh nhân của mình và ngược lại, bệnh nhân/ người nhà cũng cần đủ hiểu biết và đồng hành cùng bác sĩ thì mới tốt đẹp được.
Bản thân tôi đang công tác tại khoa hồi sức tích cực của bệnh viện nhi tuyến tỉnh, từng tiếp nhận và xử lý rất nhiều trường hợp nhiễm trùng nặng nguy hiểm tính mạng do sử dụng kháng sinh chậm trễ hoặc bệnh diễn biến nhanh. Nói vậy để phụ huynh hiểu rằng nghề y cũng là nghề nguy hiểm với nhiều rủi ro. Trong thực hành y khoa không có gì là tuyệt đối, thăm khám càng kỹ càng giảm thiểu sai số.
Việc quản lý kê đơn kháng sinh đang cấp thiết hơn bao giờ hết. Chỉ dùng kháng sinh khi cần, nếu cần dùng thì đúng loại thuốc, đúng liều lượng và đủ về thời gian là rất quan trọng. Hãy tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa của bạn nếu có chỉ định dùng kháng sinh nhé!
Nội dung được tư vấn bởi BSCKI Nguyễn Hữu Thảo Trưởng khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc - Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc Phòng khám: - Cơ sở 1: Thị Trấn Lập Trạch, huyện Lập Trạch, Vĩnh Phúc (hotline: 0989555035). - Cơ sở 2: 51B Phùng Quang Phong, phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên (hotline: 0983666520). - Cơ sở 3: Phố Me, thị Trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc (hotline: 0342434013). |