
Hình phạt chỉ đem đến tổn thương cho trẻ và nỗi bất lực cho cha mẹ . Vậy, phải chăng đã đến lúc ta tìm một phương pháp thay thế cho hình phạt để giáo dục con trẻ hình thành những thói quen tốt hàng ngày?
Tịnh Tâm Trà
Bạn đã bao giờ cảm thấy bế tắc trong việc dạy con chưa? Mỗi ngày bạn đều muốn hét lên với bé, đánh hoặc phạt nặng để bé nghe lời hơn. Tuy nhiên, càng đánh phạt thì con lại càng ương bướng, lì lợm. Bởi đơn giản thế này bạn ạ, hình phạt chỉ đem lại sự sợ hãi, xấu hổ và uất ức. Con sẽ không học được điều gì từ những sai lầm kia. Hình phạt chỉ đem đến tổn thương cho trẻ và nỗi bất lực cho cha mẹ mà thôi.
Vì sao bé thường khiến ta bực?
* Vì trẻ nhỏ luôn tò mò
Mọi trẻ nhỏ đều khao khát tột cùng được khám phá mọi thứ xung quanh. Chúng cứ luôn muốn leo lên cao, sờ vào quạt điện, tắt mở vòi nước, nghịch đất cát thậm chí lục tung cả chén bát nồi niêu. Đặc biệt, thứ gì cha mẹ cấm không được đụng vào chính là thứ hấp dẫn nhất, trò nào cha mẹ không cho chơi chính là trò chơi thú vị nhất. Do đó, con trẻ luôn thích làm ngược lại mọi sự cấm cản của chúng ta.
* Vì con muốn gây sự chú ý
Tôi để ý rằng khi tôi rảnh rỗi ngồi chơi với các con, các bé ngoan ngoãn tươi vui như những chú cừu bông. Nhưng chỉ cần tôi loay hoay làm việc trong bếp hay lướt điện thoại, thì lập tức bọn trẻ trở nên hiếu động và tinh nghịch vô cùng. Tuy có chút bực mình nhưng bạn à, các con chỉ đang muốn chúng ta chú ý đến chúng mà thôi. Và tôi nghĩ rằng, nhu cầu muốn được gắn kết với cha mẹ là một nhu cầu rất chính đáng của con. Con không nên bị trách phạt vì điều đó.

* Vì con chưa kiểm soát được cảm xúc
Ngay cả người lớn đôi khi còn khó kiềm chế được cơn nóng giận, thì một đứa trẻ chưa phát triển đầy đủ khả năng kiểm soát cảm xúc sẽ dễ dàng bộc lộ hành vi sai trái như ném đồ, đánh người, la hét...để giải tỏa sự tức giận hay buồn bã là chuyện rất dễ xảy ra.
Tìm phương pháp thay thế cho hình phạt
* Thái độ của cha mẹ rất quan trọng
Khi con có hành vi sai, việc cha mẹ giữ bình tĩnh thay vì quát mắng là rất quan trọng. Hãy nói chuyện với con ở tông giọng trầm. Bởi đôi khi chính phản ứng thái quá của cha mẹ lại khiến trẻ thích thú và muốn thử lại nhiều lần hơn nữa.
* Giải thích ngắn gọn và rõ ràng về hành vi sai trái của con
Ví dụ khi con cố tình đổ nước ra khắp nhà, thay vì la mắng hoặc giáng hình phạt, tôi ngồi xuống ngang tầm với con và nhẹ nhàng nói: "Con đổ nước ra nền nhà sẽ làm cho nền nhà trơn trượt, mình đi vào sẽ bị ngã. Bây giờ mẹ và con cùng lau sạch vũng nước đi nha".
Lúc này, con có thể hiểu được nguyên nhân và hệ quả của hành động đổ nước, vừa học được cách sửa chữa sai lầm. Mà tất cả quá trình này không có ai phải khóc, không có ai phải quát tháo bực mình.

* Chuyển hướng hành vi sai
Đến một giai đoạn nhất định, mọi đứa trẻ đều muốn chứng tỏ bản thân bằng cách làm ngược lại lời nhắc nhở của người lớn. Bạn càng cấm cản, con càng muốn làm. Vậy chúng ta hãy tìm cách chuyển hướng hành vi cho con.
Ví dụ như thay vì nói "Mẹ cấm con vẽ lên tường", bạn có thể nói "Con hãy vẽ nhiều bức tranh đẹp lên giấy mà mẹ đã mua cho con nhé. Làm vậy thì chúng ta có thể lưu giữ thành một bộ sưu tập khổng lồ đó con".
* Khen ngợi, động viên
Khi con có thái độ hợp tác và thực hiện tốt hành vi đúng, đừng quên khen ngợi và khuyến khích con tiếp tục duy trì nhé. Vì nếu chỉ khi con làm sai cha mẹ mới nhắc nhở, còn lúc con làm đúng lại chẳng có ai quan tâm chú ý đến, vậy con cố gắng làm đúng để làm gì?
* Kỷ luật tự nhiên
Đôi khi chúng ta cũng cần để trẻ tự trải nghiệm hậu quả của hành vi. Ví dụ như con ham chơi không chịu ăn đúng bữa, tôi sẽ để con trải qua cảm giác đi ngủ với chiếc bụng đói. Hôm sau con sẽ biết quý trọng bữa ăn và ăn ngon miệng hơn rất nhiều.
* Tạo môi trường gia đình tích cực
Sẽ thật tuyệt vời nếu đồng hành cùng người mẹ tỉnh thức còn có cả người cha tỉnh thức, người ông người bà tỉnh thức để giúp những đứa trẻ trong gia đình có được môi trường an toàn, cởi mở để con dễ dàng chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc, được bao dung và hướng dẫn sửa chữa từng lỗi lầm nhỏ. Con trẻ được cha mẹ dành cho mình thời gian chất lượng sẽ không bao giờ thấy cô đơn, nhu cầu muốn được chú ý (bằng cách tiêu cực) cũng sẽ ít hơn.

Tóm lại, một đứa trẻ được tôn trọng và lắng nghe trong gia đình sẽ biết cách tôn trọng và lắng nghe người khác. Cha mẹ điềm tĩnh sẽ giáo dục nên những đứa trẻ điềm tĩnh. Ngược lại, một gia đình thường xuyên xung đột, sử dụng bạo lực làm hình phạt sẽ tạo ra những đứa trẻ có tâm lý bất an, tự ti, nhút nhát hoặc tệ hơn là khi lớn sẽ trở nên nổi loạn, chống đối xã hội, ranh ma, lách luật và bất cần.
Sau cùng, tôi mong mỏi ngày càng có thêm nhiều gia đình tìm ra được những phương pháp giáo dục tích cực và nhân văn hơn để thay thế cho đòn roi và hình phạt. Mong cho mọi trẻ em đều lớn lên trong niềm an yên, hạnh phúc.
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |