
Bé ngoài 1 tuổi thường rất hiếu kỳ, muốn phám phá mọi thứ trong nhà như ổ điện, quạt đang chạy, bùn đất ở gốc cây… Làm sao để con nhận diện được nguy cơ và bớt nghịch dại?
Mai Ánh Nguyệt
Bé nhà mình 2 tuổi, thích nghịch ổ điện và các thứ nguy hiểm trong nhà. Mình dạy con 2 điều:
Thứ nhất - Tính sở hữu: Đồ nào của ai? Từ đó thiết lập nguyên tắc đồ nào của mình thì dùng, đồ của người khác phải xin phép.
Thứ 2 - Cách quan sát và phân loại: Mình liệt kê ra một số vật có đặc điểm nguy hiểm để bé nhận dạng và đưa giải pháp như sau
+ Đồ nhọn, sắc: Dao, kéo, dĩa… chọc vào bị đau. Mình lấy luôn dĩa chọc tay mình và tay con cho hằn vết nhẹ đủ cảm nhận hơi nhói. Mình nói: Đồ sắc nhọn chọc đau đấy!
+ Đồ cánh quạt: Các loại cánh quay được như quạt các loại. Mình lấy que nhỏ cho vào cánh quạt đang quay rồi kêu lên “Ối ối! Gãy mất tiêu rồi”. Mình giơ que cho con xem và nói Cánh quạt quay làm gãy đấy, sau đó quay ra hỏi con có muốn cầm thử không? Bé trông thấy que gãy thì sợ, lắc đầu ngay.
+ Đồ trèo, leo được: Mình hướng dẫn cách xuống và lên. Mình nói:
- Con được phép trèo nhưng quan sát trước. Phải có mẹ hoặc bố, hoặc ông bà và chú ở cạnh nhá!
- Trèo cao không nhìn ngã đau đấy! Cái này bé bị rồi nên mình kể lại ví dụ cũ. Tức là mình vẫn đáp ứng nhu cầu khám phá của con, nhưng giúp con nhận diện được liên kết trải nghiệm đau đồng nghĩa với nguy hiểm.

+ Đồ nóng, lạnh: Mình cho con nhận diện vật nóng, lạnh (nóng như nước tắm nóng, lạnh như đá). Mình nói Chờ nguội con nhá!. Mình thổi và lấy quạt làm mẫu cho con xem đến khi nguội mình bảo con sờ lại.
+ Khi qua đường: Mình nhắc con Con quan sát nhé, xe chạy vù vù (mình nói cường điệu từ vù vù và dùng tay lướt qua mặt bé). Có xe phải dừng lại nhá.
+ Khi đi chỗ ướt: Mình nhắc Con đi chậm nhá. Mình hay dặn khi mình lau nhà xong, mình chỉ cho bé chỗ ướt. Mình cầm tay bé và cùng bước chậm từng bước.
Tóm lại, cứ gặp tình huống nào là mình chỉ cái đó. Tình huống nào có thể lường trước được thì mình dạy con nhận diện. Hãy giúp con nhận diện nguy hiểm một cách cụ thể chứ đừng dùng từ chung chung. Vì làm thế, thứ nhất là bé không hiểu, thứ hai bé càng tò mò.
Đồng thời, cha mẹ hãy dạy bé nhận diện mối nguy hiểm xung quanh và đưa giải pháp. Thực hành hàng ngày thì tự nhiên sẽ thành phản xạ. Cha mẹ vẫn cần theo dõi bé khi tiếp cận với nguy hiểm nhưng đừng can thiệp vội vàng.
Nội dung được chia sẻ bởi mẹ Mai Ánh Nguyệt - Tư vấn phát triển ngôn ngữ sớm cho trẻ và giáo dục sớm. Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |