
Dạy trẻ kỹ năng nhận biết và xử lý khi có cháy không chỉ giúp bảo vệ bản thân bé, mà còn có thể cứu sống những người xung quanh.
Đây là một phần quan trọng trong giáo dục kỹ năng sống mà giáo viên chúng tôi có đưa vào dạy trẻ mầm non, góp phần tạo chủ động và khả năng ứng phó cho trẻ trong tình huống nguy hiểm.
1. Dạy trẻ cách nhận biết dấu hiệu có cháy
- Khói và mùi khét: Giải thích rằng khi thấy khói dày hoặc ngửi thấy mùi cháy khét, có thể đang có hỏa hoạn.
- Nhiệt độ tăng bất thường: Nếu cảm thấy nóng hơn bình thường khi ở gần một khu vực nào đó, trẻ cần cảnh giác.
- Âm thanh báo động: Dạy trẻ lắng nghe còi báo cháy hoặc tiếng nổ bất thường từ thiết bị điện, gas.
- Ngọn lửa xuất hiện: Nếu thấy lửa bùng lên, trẻ phải ngay lập tức tìm cách rời đi một cách an toàn.
2. Hướng dẫn trẻ cách xử lý khi có cháy
- Giữ bình tĩnh và báo ngay cho người lớn: Nhắc trẻ không hoảng sợ, cần báo ngay cho người lớn hoặc gọi số cứu hỏa 114 - nếu con có điện thoại.
- Không chạy vào khu vực có khói dày: Dạy trẻ tránh xa vùng có nhiều khói vì có thể gây ngạt thở.
- Bò sát đất khi di chuyển: Nếu có khói, trẻ cần cúi thấp hoặc bò sát đất để tránh hít phải khí độc.
- Không dùng thang máy: Chỉ sử dụng cầu thang bộ để thoát hiểm, vì thang máy có thể bị kẹt khi có cháy.
- Dùng khăn ướt che miệng và mũi: Tìm khăn sạch, thấm ướt nước và che mũi, miệng để giảm nguy cơ hít phải khói độc.
- Học cách dập lửa trên người: Nếu quần áo bị cháy, trẻ cần dừng lại, nằm xuống và lăn trên mặt đất để dập lửa.
- Tìm lối thoát an toàn: Hướng dẫn trẻ tìm cửa thoát hiểm, cửa sổ hoặc nơi có thể ra ngoài một cách nhanh chóng (bố mẹ có thể chỉ cho con nhận diện các biển báo Exit tại khu chung cư, tòa nhà công cộng…)
Việc dạy trẻ cách phản ứng khi gặp hỏa hoạn có thể được làm sinh động hơn qua các tình huống giả lập và trò chơi đóng vai để con ghi nhớ lâu hơn. Hoặc cha mẹ có thể đưa ra tình huống để con suy nghĩ và đưa ra phương án trả lời như sau: “Nếu con thấy có khói hoặc lửa cháy ở gần khu vực của con, lúc ấy con phải làm như thế nào?”
Trong lúc trẻ suy nghĩ, cha mẹ có thể đưa ra câu hỏi gợi mở cho trẻ như: “Con có nên sợ hãi và đứng khóc không?”. Sau khi để trẻ tự nói lên phương án giải quyết, cha mẹ nhận xét và đưa ra phương án giải quyết đúng cho trẻ: “Khi thấy có khói hoặc cháy ở đâu đó, trước hết con phải chạy thật xa chỗ cháy, sau đó hãy hét to và báo với người nhà và những người xung quanh để họ có thể nghe thấy. Nếu không có người ở nhà thì phải chạy ra ngoài báo cho hàng xóm hoặc những người bên ngoài”.
Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp cha mẹ dạy trẻ kỹ năng nhận biết và xử lý khi có cháy hiệu quả hơn!
Bài viết được chia sẻ bởi cô Minh Thu - Tổ trường chuyên môn, giáo viên mầm non tại Hà Nội Nếu bạn đang công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và có câu chuyện muốn chia sẻ với Đi Cùng Con, xin vui lòng gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn sẽ giúp ích cho rất nhiều cha mẹ trên hành trình nuôi dạy con. |
Bình luận