

Trong quá trình sinh đẻ, một trong những điều khiến các mẹ lo lắng nhất là nguy cơ con bị uốn ván rốn sau sinh do cắt rốn bằng dụng cụ không đảm bảo. Vậy nếu cắt dây rốn bằng lazer có thể giảm nguy cơ bị uốn ván rốn không?
Bệnh uốn ván là bệnh gây ra do độc tố của trực khuẩn Clostridium tetani phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí tiết ra. Khi bị nhiễm khuẩn, độc tố sẽ gây ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, gây tổn thương não và hệ thần kinh trung ương, dẫn đến cứng cơ và có thể gây tử vong nhanh.
Cắt rốn bằng lazer có nguy cơ uốn ván không?
Uốn ván là bệnh lý truyền nhiễm vô cùng nguy hiểm, nhất là ở trẻ em với tỷ lệ tử vong lên đến 95% nếu phát bệnh. Trước khi tử vong, trẻ có thể sẽ phải đối mặt với nhiều biểu hiện “đáng sợ” cùng những biến chứng trầm trọng. Nếu may mắn vượt qua và sống sót, nguy cơ cao trẻ sẽ phải đối diện với nhiều di chứng vĩnh viễn.
Thông thường, nha bào uốn ván xâm nhập vào cơ thể con người thông qua các vết thương hở bị nhiễm bẩn từ đất cát, bụi bẩn, phân người hoặc phân súc vật. Đôi khi, nha bào uốn ván cũng có thể gây nhiễm trùng sau khi phẫu thuật, nạo thai trong điều kiện không vệ sinh.
Trong quá trình sinh đẻ, một trong những điều khiến các mẹ lo lắng nhất là nguy cơ con bị uốn ván rốn sau sinh do cắt rốn bằng những dụng cụ bẩn, chưa được tiệt trùng đúng quy trình khiến cho nha bào uốn ván dễ dàng lây truyền qua rốn trẻ.

Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm uốn ván rốn sau sinh do cắt rốn bằng dụng cụ bẩn, hiện tại một số cơ sở y tế đã thực hiện cắt rốn bằng tia laser. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sau khi đã cắt rốn, rốn trẻ vẫn là một vết thương hở và vẫn có nguy cơ nhiễm nha bào uốn ván qua vị trí này nếu như rốn của trẻ chưa được vệ sinh sạch sẽ và băng đầu rốn bị cắt không được khử trùng.
Làm sao phòng ngừa uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh?
Để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ uốn ván sơ sinh, mẹ nên tiêm phòng uốn ván trước sinh (để tạo miễn dịch thụ động cho trẻ) và tiêm phòng uốn ván cho trẻ sau sinh (tạo miễn dịch chủ động).
Tiêm phòng uốn ván trước sinh
Phụ nữ mang thai cần tiêm 2 mũi đối với lần mang thai đầu, 1 mũi đối với những lần mang thai sau. Mũi đầu tiên có thể tiêm từ tuần thai thứ 20, mũi 2 cách mũi đầu một tháng và cách ngày sinh ít nhất 1 tháng.
Tiêm phòng uốn ván cho trẻ
Vaccine uốn ván cho trẻ hiện nay bao gồm những loại sau: Liều đơn lẻ (vaccine uốn ván hấp thụ) hoặc vaccine tích hợp như:
- Vaccine uốn ván, bạch hầu được sử dụng cho trẻ từ 7 tuổi trở lên hoặc người lớn chưa từng tiêm vaccine.
- Vaccine 3 trong 1 (ho gà, bạch hầu, uốn ván) sử dụng để tiêm cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn.
- Vaccine 4 trong 1 ( phòng 4 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt) được dùng để tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên đến 13 tuổi tùy theo mỗi quốc gia. Lịch tiêm gồm 5 mũi.
- Vaccine 5 trong 1 phòng ngừa được 5 bệnh truyền nhiễm, bao gồm: Ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt và các bệnh viêm phổi, viêm màng não mủ do H.Influenzae týp B (Hib) chỉ trong 1 mũi tiêm. Vaccine 5 trong 1 Pentaxim được chỉ định tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến tròn 2 tuổi. Lịch tiêm gồm 4 mũi.
- Vaccine 6 trong 1 phòng ngừa tổng cộng 6 bệnh truyền nhiễm chỉ trong 1 mũi tiêm, bao gồm: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh viêm phổi, viêm màng não mủ do H.Influenzae týp B (Hib). Vaccine 6 trong 1 Hexaxim được bác sĩ sử dụng tiêm cho trẻ từ 2 tháng đến 2 tuổi. Lịch tiêm bao gồm 4 mũi.
![]() Nội dung được tư vấn bởi TS.BS Phan Chí Thành Chánh Văn phòng Trung tâm đào tạo, Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương Địa chỉ: Phòng khám 4Women Clinic 69 ngõ 325 Kim Ngưu, Hà Nội Hotline: 094 866 56 65 |