
Để tập ăn dặm cho con không còn là một “cuộc chiến”, các mẹ nằm lòng những lưu ý giúp con ăn ngon và khỏe, dinh dưỡng đủ đầy sau.
Hồng Hạnh
Từ 6 đến 12 tháng tuổi, bé cần cung cấp năng lượng và dinh dưỡng nhiều nhất trong cuộc đời. Đây cũng là thời điểm bé chuyển sang giai đoạn ăn dặm để nạp nhiều nguồn dưỡng chất hơn, bên cạnh sữa. Tuy vậy, cha mẹ nên lưu ý không phải loại thực phẩm nào cũng có lợi cho bé trong giai đoạn bắt đầu ăn dặm.
Khi mới bắt đầu ăn dặm, dạ dày của bé còn nhỏ và nhạy cảm, do đó cha mẹ nên chia thành nhiều bữa nhỏ cho con ăn trong ngày. Nên chú ý khi con có dấu hiệu đói như đưa tay lên miệng hoặc quấy khóc. Khi cho con ăn dặm lần đầu, hãy cho bé thử một lượng nhỏ, khoảng 2-3 muỗng. Nên kiên nhẫn và đừng thúc ép, để bé tự do làm quen với các loại thực phẩm mới mẻ. Khi bé lớn hơn và quen với ăn dặm, lượng thức ăn có thể tăng dần.
Cũng phải lưu ý rằng trong giai đoạn này, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính cho con. Để đảm bảo bé vẫn bú mẹ, bạn nên cho con ăn dặm thêm sau cữ sữa nếu cần, tránh bé ăn dặm no không thèm sữa mẹ nữa.

Từ 6 đến 8 tháng tuổi, bé có thể ăn khoảng nửa chén bột/cháo/thức ăn lỏng mỗi lần, mỗi ngày 2-3 cữ. Bên cạnh ngũ cốc, bé cần được bổ sung đầy đủ các nhóm chất từ nhiều nguồn thực phẩm khác nhau như rau củ, thịt, trứng và trái cây. Các món ăn dặm nên ở dạng sệt như cháo, súp hoặc rau củ, trái cây nghiền để bé dễ nuốt hơn. Nhiều mẹ chưa biết, mật ong là thực phẩm nhiều dinh dưỡng nhưng không nên dùng cho bé dưới 12 tháng tuổi. Trong mật ong có chứa nội bào tử của vi khuẩn clostridium botulinum, dễ gây ngộ độc vì hệ tiêu hoá của bé lúc này chưa hoàn thiện.
Từ 9 đến 11 tháng, lượng ăn dặm của con cần tăng lên, khoảng nửa chén mỗi lần, 3-4 cữ/ngày và kèm theo các bữa phụ như trái cây nghiền. Lúc này, bé có thể thích thú với việc bốc tay tự ăn, nên mẹ nhớ rửa sạch tay cho con và để bé tự khám phá. Ngoài các loại ngũ cốc, khoai tây bổ sung năng lượng, bữa ăn dặm của con nên có đầy đủ rau củ, trái cây, một ít chất béo tốt. Đặc biệt, các loại thực phẩm từ động vật như trứng, sữa, thịt gia cầm, thịt đỏ, cá… là nguồn cung cấp dinh dưỡng quan trọng để bé phát triển toàn diện. Nếu con vẫn đói, cha mẹ có thể bổ sung sữa.
Trong trường hợp mẹ không đủ sữa, bé cần được cho ăn nhiều và thường xuyên hơn. Mẹ cũng có thể bổ sung các loại sữa vào khẩu phần để con nạp đủ dinh dưỡng.
Theo UNICEF
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |